Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật

07:57, 12/08/2022

Sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ 7 nội dung công việc theo chương trình và sẽ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến từ 15 đến 18/8, gồm những nội dung rất quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Chiều 11/8, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp các cơ quan sớm hoàn thành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với từng nội dung; hoàn thiện để trình Chủ tịch Quốc hội ký 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang); Nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước; Nghị quyết về tiếp tục chi trả hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chỉ còn mấy ngày nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến từ 15 đến 18/8, gồm những nội dung rất quan trọng; trong đó có các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội theo nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phần lớn các dự án luật, nghị quyết tới đây là của Chính phủ và đề nghị các cơ quan trình gửi tài liệu sớm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội sớm thông báo đến đại biểu Quốc hội về thời gian, lịch trình, cách thức tổ chức để tham gia hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội trao đổi, thống nhất với Tổng Thư ký Quốc hội về những nội dung cần xin ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong tháng 9 tới, Quốc hội sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam; các hội nghị về xây dựng pháp luật, triển khai sơ kết Kết luận 19, Kế hoạch 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022-2023.

Về việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội lưu ý chỉ đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của một số dự án luật, không nhất thiết phải xin ý kiến về toàn bộ hồ sơ dự án luật; thời gian tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chỉ nên gói gọn trong 2 ngày.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là một trong những nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chính phủ làm rất nhanh, rất trúng, rất cần thiết.

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết về vấn đề này, thay vì chỉ ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là một trong những nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chính phủ làm rất nhanh, rất trúng, rất cần thiết.

Theo đó, quyết định này có giá trị lượng tiền khá lớn, có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống rất nhanh, không chỉ hỗ trợ trực tiếp tới người lao động, người sử dụng lao động, mà còn hỗ trợ cho nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sáng kiến này của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan của Quốc hội rất tốt, các nước khi nghe nói về sáng kiến này đều đánh giá rất cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi thực hiện nghị quyết, còn một số đối tượng chưa được thụ hưởng do số tiền chi trả thực tế vượt quá tổng số tiền đã được quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết để bổ sung số tiền cụ thể, không thay đổi hay bổ sung chính sách đã có.

Sau khi thống nhất về hình thức ban hành là nghị quyết, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết cho phép tiếp tục thực hiện việc chi trả hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.