Ngày 22-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2022.
Quang cảnh phiên họp. |
Ngay đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Điều này đang tác động mạnh mẽ kinh tế thế giới.
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số bộ, ngành phát biểu ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, tình hình thế giới khó lường, về tình hình, hầu hết các nước hiện nay có xu hướng tăng trưởng giảm, lạm phát tăng cao, nhất là Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản.
Vừa qua do dịch bệnh nhân nên các nước nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hỗ trợ người dân, từ đó lạm phát tăng cao, phải dụng công cụ lãi suất để hút tiền vào. Các nước như Mỹ, Anh, Nhật... đều tăng lãi suất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. |
Theo Thủ tướng, khi đồng USD tăng lãi suất kéo theo tăng giá trị của đồng tiền này, các đồng tiền khác của các nước giảm giá trị. Việc tăng lãi suất tác động tiêu cực các nước, những nước có nợ công bằng các đồng tiền USD và giá trị cao của thế giới bị tác động lớn, phương tiện thanh toán bị tác động tiêu cực; xuất khẩu đến các thị trường này; thất nghiệp gia tăng do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Đối với Việt Nam, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế cao, hơn 200% GDP; sức chống chịu, cạnh tranh còn có hạn, một biến động nhỏ trên thế giới cũng tác động tình hình trong nước; thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc... đều có xu hướng bị thu hẹp lại do khó khăn của nền kinh tế.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đều là tiêu dùng, lương thực, nông thuỷ sản. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, giá trị đồng tiền của Việt Nam, tác động quỹ điều hòa ngoại hối của chúng ta.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu chúng ta không được hoang mang, dao động; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả trong điều hành.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vừa có tính chất trước mắt, vừa có tính chất lâu dài; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9 trong đó đánh giá, nhận định, dự báo tình hình; đưa ra quan điểm, mục tiêu chỉ đạo, một số nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, phân công cụ thể cho từng bộ, ngành, từng cấp.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. |
Thủ tướng lưu ý các quan điểm phải bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trước diễn biến phức tạp, khó lường, bất ngờ của thế giới; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự tác động nhiều chiều từ thế giới, trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó nguy cơ suy thoái và khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên, trước mắt nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch; đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực. Chính sách tài khóa phải mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo rà soát giảm thuế, phí, lệ phí, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Hai chính sách này phải phối hợp hài hòa, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách để chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình, kịp thời phản ứng chính sách; đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của ba Chương trình mục tiêu, chương trình đầu tư công quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; thúc đẩy đầu tư tư.
Chúng ta phải bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thông tin; làm tốt công tác quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý kịp thời phát sinh, giải quyết những vấn đề tồn đọng hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tạo nền tảng vật chất ổn định xã hội, phát triển trước mắt và lâu dài.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản; khẳng định chuỗi giá trị toàn cầu của lương thực, trái cây, thuỷ sản. Phải “làm đủ ăn và xuất khẩu”.
Bộ Công thương phải chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng quốc tế, thúc đẩy cả cung và cầu; đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, không được để thiếu xăng, dầu, điều hành theo cơ chế kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước khi cần thiết, bảo đảm “xuất đủ nhập, có thặng dư”.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải chủ trì phát triển thị trường lao động bền vững, an toàn, hiệu quả; bảo đảm đủ lao động, không để thiếu lao động làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao đón xu thế chuyển dịch về đầu tư; làm tốt công tác an sinh xã hội, chú trọng quan tâm người yếu thế, người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn,
Các cơ quan truyền thông, báo chí phải nắm chắc tình hình, phản ánh đúng, trúng, khách quan, chân thực, chính xác tình hình, tạo sự đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tin tưởng, ủng hộ của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành; tuyên truyền tinh thần đồng hành, chia sẻ, vượt qua khó khăn.
Các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xử lý theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên có thẩm quyền; tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng, đây chính là những yếu tố nền tảng để chúng ta bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin