Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên:
Hỗ trợ đóng BHYT cho 3,1 triệu người dân tộc thiểu số và miền núi

Thu Hằng (tổng hợp) 14:43, 28/10/2022

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, hôm nay (28-10), trong buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về 2 nội dung.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Đoàn Thị Hảo tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đó là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề:

Thứ nhất, về phát triển đối tượng tham gia BHYT: Thực hiện Quyết định số 861QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (giảm số địa phương vùng đặc biệt khó khăn), số người tham gia BHYT, thuộc nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng giảm mạnh (giảm 4,9 triệu người so với năm 2020), trong đó, phần lớn ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, khoảng 3,1 triệu người, không còn được Nhà nước hỗ trợ, đóng BHYT. 

Thứ hai, về khám, chữa bệnh bằng BHYT: Hiện nay, tỷ lệ chi khám, chữa bệnh BHYT ở các tuyến vẫn tiếp tục mất cân đối. Ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, kinh phí này chiếm tới 67,9%. Trong khi, số lượt khám, chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 23,8%. Còn lại là ở tuyến huyện và tuyến xã. Cùng với đó là một số vướng mắc trong tạm ứng, thanh quyết toán đã tồn tại nhiều năm, hiện vẫn còn 5.323 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay chưa được thanh quyết toán.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ chi tiền túi của người dân, trên tổng chi thường xuyên cho y tế còn cao, là 45% - cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 20%.

Đại biểu đề nghị: (1) Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc, bất cập; kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về BHYT để thống nhất thực hiện trong cả nước; thực hiện thanh quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng. (2) Khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, đề xuất giải pháp cụ thể để sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách tại các địa phương không còn là xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ, đóng BHYT cho 3,1 triệu người, trong đó, đặc biệt quan tâm đến 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số ngay trong năm 2023.

Theo chương trình, chiều nay (28-10), các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về 2 nội dung đang thảo luận buổi sáng và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.