Chiều 21-10, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022).
Quang cảnh lễ kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. |
Buổi lễ diễn ra trọng thể với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; đông đảo Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao, Trưởng Đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Việt Nam cùng đại diện nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia đã tham gia đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc trong suốt 45 năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc là một dấu mốc quan trọng của đối ngoại Việt Nam, khởi đầu một chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tri ân đối với sự đồng hành của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trên mỗi bước đường phát triển của đất nước trong suốt 45 năm qua. Chủ tịch nước khẳng định Liên hợp quốc là người bạn thân thiết, tin cậy của Việt Nam trong các giai đoạn phát triển và gần đây nhất là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ động, tích cực đóng góp cùng Liên hợp quốc vì hòa bình và sự tiến bộ trên thế giới. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam tự hào đã trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc.
Việt Nam luôn chủ động, tích cực đóng góp cùng Liên hợp quốc vì hòa bình và sự tiến bộ trên thế giới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc |
Đánh giá về vai trò của Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới hiện nay, Chủ tịch nước nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, các nước kỳ vọng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhân kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối điều phối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, hợp tác với Liên hợp quốc sẽ luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam sẽ hợp tác hiệu quả với Liên hợp quốc, tham gia xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Thư ký Guterres khẳng định trong 45 năm qua, nhân dân Việt Nam đã viết nên câu chuyện về sự chuyển đổi mạnh mẽ và tràn đầy hy vọng.
Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và cô lập trên trường quốc tế vài thập kỷ trước, Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm và nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Trên hành trình đó, Liên hợp quốc tự hào là đối tác của Việt Nam.
Tổng Thư ký Guterres cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực của Liên hợp quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu 45 năm qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm. |
Tổng Thư ký khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả trong tham gia lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả trong tham gia lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres |
Ông đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin