Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thu Hà 15:31, 10/10/2022

Ngày 10-10, tại Thái Nguyên, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ năm, nhiệm kỳ 2021-2026. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp. Tham dự có các đồng chí Thường trực Hội đồng, thành viên Hội đồng và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban Đảng Trung ương.

 

Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Kỳ họp lần này tập trung vào nội dung: Hội thảo khoa học với chủ đề Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phát biểu tại Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số nội dung quan trọng cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm cung cấp, bổ sung luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng Báo cáo tư vấn của Hội đồng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Trong suốt quá trình phát triển, từ khi đất nước giành được độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng, phát huy vai trò của trí thức, coi trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vấn đề này không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo nguồn lực nhân lực chất lượng cao, mà còn đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa đó, 30 ý kiến tham luận của các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề như: Nhận diện về đội ngũ trí thức Việt Nam trong điều kiện mới, đặc điểm và những nhân tố tác động tới việc xây dựng và phát huy vai trò của trí thức; đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; những hạn chế, "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đề xuất, kiến nghị để xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học, sau 1 ngày tập trung thảo luận, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để làm rõ nhiều vấn đề đang đặt ra. Trong đó, nổi bật là các nội dung: Giải pháp trọng tâm để tiếp tục hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước...