Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Cần bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng

Thu Hoài (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh) 17:57, 02/11/2022

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 2-11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Thái Nguyên tham gia Tổ thảo luận số 6 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Nam Định, Trà Vinh và Đà Nẵng.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên thảo luận tổ ngày 2-11.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên thảo luận tổ ngày 2-11.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị bổ sung hành vi “làm lộ, lọt thông tin người tiêu dùng”. Đồng thời bổ sung quy định về thời gian, để cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải quyết yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cũng đề nghị một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như: Bổ sung hành vi “cấm lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin của người tiêu dùng để trục lợi” vào Điều 17; điều chỉnh lại khái niệm “hàng hoá khuyết tật” cho phù hợp; chỉ quy định những điều cấm mang tính nguyên tắc, những nội dung diễn giải cụ thể nên đưa vào văn bản dưới luật…

Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên), quy định về nhóm “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương” tại Khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thể hiện tính nhân văn, nhưng đề nghị bổ sung “người nghèo” vào nhóm người dễ bị tổn thương. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị: Quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo; bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin cho người tiêu dùng, bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công, làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng; bổ sung quy định xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp để “thông tin người tiêu dùng bị lộ”.

Đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ căn cứ để quy định về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; xem xét tính khả thi và cách thức báo cáo đối với quy định “sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước”…