Tăng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong định giá đất

T.H 16:27, 14/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, ngày 14-11, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, người dân.

Phát biểu trong phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên, đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và công tác thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đối với Thái Nguyên, xác định tầm quan trọng của nội dung này nên ngay trước Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hội thảo và nhận được 28 báo cáo, với rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Các ý kiến tham gia đã được tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại Quốc hội chiều 14-11. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại Quốc hội chiều 14-11. Ảnh: Hồ Long

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐB Đoàn Thị Hảo nêu một số kiến nghị:

* Thứ nhất, về phát triển quỹ đất: Dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mô hình trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo lập quỹ đất, hoạt động còn mang tính cục bộ. Các cơ chế tài chính cho hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chi phí tổ chức đấu giá, đấu thầu.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn thiếu cơ chế về huy động và phát triển nguồn vốn, đủ mạnh; thiếu sự hỗ trợ và tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất.

Từ thực trạng trên, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt là có cơ chế huy động, hỗ trợ nguồn vốn, cũng như trình tự, thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả.

Chương 8 dự thảo Luật nên thiết kế một điều quy định rõ về phương thức thực hiện, dự án phát triển quỹ đất.

* Thứ hai, về giá đất: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường. Đây là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử. ĐB Đoàn Thị Hảo tán thành quy định này và đề nghị (1) giải thích rõ cụm từ “Phù hợp với giá trị thị trường” tại Điểm c, Khoản 1, Điều 163. Vì hiện nay việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu về giá đất chưa đầy đủ; giá đất luôn biến động.

(2) Cần có phương pháp để xây dựng, xác định bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan, trong xác định giá đất. Ví dụ: Dự thảo Luật đưa ra các phương pháp định giá đất mới như: Vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn tại Khoản 2, Điều 164 và Khoản 3, Điều 165. Đây là các khái niệm mới nhưng không quy định, giao cho cơ quan nào có trách nhiệm, tổ chức xác định vùng giá trị này.

(3) Về hội đồng thẩm định giá đất (Điều 166): ĐB Đoàn Thị Hảo cho rằng, cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của hội đồng thẩm định; tăng tỷ lệ thành viên hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia, tư vấn độc lập. Đồng thời xác định rõ quyền, đi đôi với trách nhiệm của mỗi thành viên hội đồng thẩm định trong việc đưa ra ý kiến thẩm định giá đất.

(4) Dự thảo Luật lần này chưa rõ về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong công tác định giá đất. Đặc biệt là khi xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh, thẩm định việc ban hành bảng giá đất tại các địa phương. Vì vậy cần bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong định giá đất.

* Thứ ba, về tập trung đất nông nghiệp (Điều 195):

ĐB Đoàn Thị Hảo cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo Luật về tập trung đất nông nghiệp và tích tụ đất nông nghiệp. Quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện và hoàn thành định hướng về “cánh đồng mẫu lớn”, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.

Khoản 4, Điều 195 dự thảo Luật nêu: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Trước thực tế này, ĐB Đoàn Thị Hảo đề nghị làm rõ, trong trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư không và quy trình thực hiện như thế nào?

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai tại địa phương cho thấy: Việc lưu trữ, tổng hợp số liệu, hồ sơ về đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chính xác, đầy đủ. Nội dung này, ĐB Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề được nêu ra.