Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 4-11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2019 đến nay, việc tinh giản biên chế đã giúp ngân sách tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện để nâng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn chiều 4-11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
3 năm tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng
Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề nội vụ, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Giót, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tổ chức hành chính, và một loạt các đơn vị sự nghiệp, cũng như cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, với mục tiêu cải cách hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhấn mạnh việc này đã có tác động to lớn để có nguồn lực nâng lương cho đội ngũ, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, chỉ tính từ năm 2019 cho đến nay, đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng để đưa vào thực hiện cải cách tiền lương.
“Mối quan hệ giữa việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế có tác động rất rõ để chúng ta tạo được nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đồng thời cho biết tới đây sẽ tiếp tục công tác này để có thêm nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.
Mối quan hệ giữa việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế có tác động rất rõ để chúng ta tạo được nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Trong thời gian tới, việc cơ cấu lại đội ngũ sẽ được tiếp tục theo hướng tinh gọn hơn, bên cạnh cơ cấu đầu mối các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn, qua đó tạo điều kiện thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nêu rõ đây là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, bởi vì chưa bao giờ sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế được như vậy.
“Chúng ta giảm được 10,01% biên chế công chức và 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ đó đã góp phần rất quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nội vụ cũng thẳng thắn đánh giá, việc tinh giản biên chế thời gian qua vẫn có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học. Bộ trưởng lý giải, trong số tinh giản chỉ có khoảng 22%, còn lại là nghỉ hưu, thêm vào đó là những biên chế giao các đơn vị không sử dụng và không tuyển thêm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu phải làm theo hướng cơ học, giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế.
Cho rằng vẫn còn có những hạn chế trong cào bằng, cơ học, nhưng Bộ trưởng Nội vụ cũng đánh giá mục tiêu tinh giản đã đạt được để làm cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ
Giải trình chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) liên quan thực trạng thời gian qua, không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận, Bộ trưởng Nội vụ thẳng thắn thừa nhận, việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vừa qua đã tạo ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự.
Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 cá nhân, bao gồm cả xử lý về mặt hình sự. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức vào khoảng 1%, là con số lớn nhất từ trước đến nay.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cùng hơn 20.300 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải xử lý kỷ luật. |
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, cho rằng cần tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng cùng với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ.
Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu để ban hành 1 nghị định về đạo đức công vụ, siết chặt hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ, bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sạch để phục vụ nhân dân.
Liên quan câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, thực hiện Kết luận 71 của Bộ Chính trị và Kết luận 27 của Ban Bí thư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ rà soát sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức từ năm 2007 trở lại đây.
Kết quả, đối với Kết luận số 71 đã rà soát tới 88.888 cá nhân, trong khi theo Kết luận 27 cũng rà soát được 11 nghìn người. Trong tổng số này, đã thu hồi 1.021 quyết định sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng nêu rõ, cơ sở trên đã tạo điều kiện để thực hiện việc khắc phục sai phạm trên cơ sở những tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn được quy định trong Kết luận 71 và 27, cùng văn bản hướng dẫn cụ thể của Ban Tổ chức Trung ương cũng như của Bộ Nội vụ.
“Như vậy, chúng ta đã giải quyết một cách rất triệt để vấn đề này và cũng coi đây là 1 cuộc tổng rà soát lại việc tuyển dụng công chức, viên chức trong giai đoạn từ năm 2007 cho đến nay”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sau cuộc rà soát này, điều quan trọng là chấn chỉnh lại công tác tuyển dụng. Các địa phương, bộ, ngành cũng đang thực hiện rất nghiêm túc để không mắc sai phạm trong vấn đề tuyển dụng đối với công chức và viên chức.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin