Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các giá trị và hệ giá trị của Việt Nam, trong đó phải đặt việc xây dựng giá trị chuẩn mực con người ở vị trí trung tâm, vì nói cho cùng thì con người đóng vai trò quyết định trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị/hệ giá trị tốt đẹp nhất vì sự tiến bộ xã hội và phát triển đất nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 (Ảnh: Đăng Khoa). |
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ việc tập trung thực hiện thật tốt một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó là: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Thực hiện Nghị quyết của Ðại hội XIII và chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng, hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", để tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của các hệ giá trị nêu trên; từ đó đưa ra các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, kết hợp giữa giá trị truyền thống và giá trị thời đại để thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong thời kỳ mới của đất nước.
Những năm vừa qua, đã có nhiều nghiên cứu và cũng xuất hiện những quan niệm cùng cách sử dụng khác nhau các khái niệm giá trị. Ða số ý kiến tham luận gửi tới Hội thảo quốc gia lần này cho rằng, giá trị là "là những sự vật, hiện tượng, quá trình hay tất thảy những gì được con người xem là có ý nghĩa nhất định, ít nhiều, đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của con người, xã hội", "là hệ thống niềm tin, chuẩn mực, vũ trụ quan của cộng đồng, tộc người, là các quan niệm mang tính văn hóa về sự tốt đẹp, sự quan trọng hay ước muốn mà các thành viên của một truyền thống văn hóa, một tộc người hay một nhóm xã hội hướng tới"; trong đó "hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia, dân tộc",...
Hệ giá trị theo cách hiểu phổ biến là sự liên kết, tổng hợp các giá trị cụ thể mang tính khác biệt hoặc tương đồng thành một hệ thống, nền tảng, chuẩn mực để đánh giá sự vật, hiện tượng, hành vi trong đời sống xã hội. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau.
Tuy nhiên giá trị và hệ giá trị không phải là đại lượng bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Các nguồn lực hệ giá trị khi được khai thác, khơi dậy thì phát huy được sức mạnh nội sinh, phục vụ cho tiến bộ xã hội và phát triển đất nước. Ở chiều ngược lại, những hệ giá trị tốt, ưu việt nếu không được cổ vũ, duy trì có thể sẽ mất đi; những "giá trị" chưa tốt không được ngăn chặn sẽ sinh sôi, lan tràn, thậm chí làm hủy hoại những giá trị tốt đẹp đã phải tích lũy hàng nghìn năm mới có.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau 5 năm thực hiện, ngày 4/6/2020 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Kết luận chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam: "Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ðạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại".
Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng cũng đã xác định, trong thời gian tới chúng ta cần: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các giá trị và hệ giá trị của Việt Nam, trong đó phải đặt việc xây dựng giá trị chuẩn mực con người ở vị trí trung tâm, vì nói cho cùng thì con người đóng vai trò quyết định trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị/hệ giá trị tốt đẹp nhất vì sự tiến bộ xã hội và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng được những giá trị/hệ giá trị đúng đắn sẽ định hướng cho sự phát triển cân bằng, bền vững nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, là cơ sở để đấu tranh với sự lệch chuẩn, hành vi phản giá trị, phi văn hóa, làm suy giảm niềm tin, mất phương hướng, a dua theo những thói hư, tật xấu dẫn đến đánh mất chính giá trị và phẩm giá con người. Việc nghiên cứu, xây dựng các giá trị và hệ giá trị của Việt Nam là đòi hỏi quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây chúng ta đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra những nội dung cơ bản về giá trị và hệ giá trị trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, cộng đồng và chuẩn mực con người Việt Nam. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các kết quả nghiên cứu mới chỉ nêu vấn đề, gợi mở, đề xuất những nội dung về giá trị mà chưa đi tới một kết luận có sự đồng thuận cao và có giá trị pháp lý cần thiết.
Cụ thể, các nghiên cứu mới nêu được "hệ giá trị tổng quát", "hệ giá trị gốc", "hệ giá trị chủ đạo", chứ chưa đưa ra các "hệ giá trị cụ thể", "hệ giá trị phái sinh"..., cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.
Hội thảo quốc gia lần này, vì thế, có tầm quan trọng đặc biệt với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đơn vị ở Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng..., kế thừa những kết quả đã có, từ đó cụ thể hóa nội dung các thành tố của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của các chủ thể liên quan, thiết thực góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021.
Hy vọng từ Hội thảo quốc gia này, sẽ từng bước cụ thể hóa từng hệ giá trị thành những nội dung, tiêu chí chi tiết, phù hợp, khả thi..., từ đó có thể triển khai thực hiện với sự thống nhất, đồng thuận trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của đất nước trong thời đại mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin