Minh bạch trong công tác cán bộ

N.H 18:00, 28/07/2023

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Với nhiều nội dung mới so với trước, đây được xem là giải pháp quan trọng của Đảng nhằm tăng cường tính minh bạch trong công tác cán bộ.

Từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; sau gần 4 năm thực hiện đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể là việc từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước đây.

Theo thống kê, cả nước đã luân chuyển, điều động 9.000 cán bộ; đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác.

Quy định mới ban hành cơ bản kế thừa nội dung Quy định số 205-QĐ/TW, đồng thời bổ sung một số hành vi mới như: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”; “Khi nhận đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cấp có thẩm quyền xử lý”.

Đáng chú ý, Quy định mới cũng xác định rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền gồm: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác cho người có thẩm quyền, trách nhiệm, nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi; Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp...; Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân; Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.