Việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đại Từ đã mang lại những kết quả bất ngờ. Diện mạo nông thôn của các xã ngày càng khang trang; đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Khí thế thi đua sôi nổi vẫn đang “cháy” trên khắp các địa phương của huyện, với quyết tâm đạt được những thành tích cao hơn, mang lại cuộc sống ngày càng chất lượng hơn cho nhân dân.
Dự án Khu dân cư số 1 thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L |
Hình thành những vùng quê đáng sống
Đi trên tuyến đường liên xóm Tiên Trường 2, chúng tôi cảm nhận sự thanh bình, thư thái trước khung cảnh nên thơ cùng không khí trong lành. Mặt đường rộng rãi, đổ bê tông sạch sẽ, có đầy đủ hệ thống cống thoát nước, điện chiếu sáng soi tỏ khắp làng quê vào ban đêm. Những khu dân cư mới được hình thành, với nhiều nhà xây khang trang xen với những biệt thự bề thế.
Đồng chí Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội, cho biết: Thật tự hào khi Tiên Hội là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài cơ sở hạ tầng, thì với quan điểm xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Dựa vào điều kiện của địa phương, người dân tập trung phát triển diện tích và ứng dụng công nghệ vào sản xuất các loại cây ăn quả, như: bưởi, cam, nhãn, ổi, chuối, thanh long...
Vùng trồng chè tập trung ở xã La Bằng (Đại Từ). Ảnh: T.L |
Bên cạnh đó, chè cũng là cây trồng mũi nhọn được bà con nhân dân tập trung đầu tư thâm canh. Hiện nay, diện tích chè ở xã Tiên Hội là trên 300ha, sản lượng búp tươi ước đạt 3.550 tấn/năm. Trên địa bàn xã có 3 làng nghề chè truyền thống, 4 tổ hợp tác sản xuất chè. Ngoài ra, xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ… Từ đó, thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên, đến nay đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.
Trên hành trình tìm về những “vùng quê đáng sống”, chúng tôi cảm nhận rõ sự "thay da đổi thịt" của nông thôn Đại Từ. Từ những điều kiện tự nhiên, đặc thù riêng có và dựa trên giá trị truyền thống, mỗi vùng quê đã chọn cho mình ý tưởng quy hoạch, xây dựng cảnh quan nông thôn tươi đẹp theo cách riêng. Ở đó, người dân có cuộc sống sung túc, yên vui và hạnh phúc - đây được xem như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Đại Từ.
“Cuộc cách mạng” không dừng lại
Nhớ lại khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ có xuất phát điểm khá thấp. Trong số 29 xã, thị trấn của huyện, nhiều xã điều kiện còn rất khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi khối lượng công việc về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị rất lớn, cần nhiều kinh phí để thực hiện.
Một mô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Tiên Hội (Đại Từ). |
Trước khó khăn đó, huyện xác định công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Trước hết, cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu, người dân phải thông suốt, nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới không phải là nhiệm vụ của riêng cấp, ngành nào, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Chính vì thế, cấp ủy và chính quyền các cấp đã thống nhất về nhận thức, vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, thường xuyên bám sát cơ sở, sát cánh cùng nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Ngay từ ban đầu, huyện Đại Từ luôn xác định rõ vai trò chủ thể của người dân. Từ đó tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền gắn với các chương trình, hành động cụ thể để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về nông thôn mới và vai trò chủ thể của mình. Từ đó, tích cực phát triển kinh tế; góp sức, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện nội dung các tiêu chí…
Trong quá trình thực hiện, huyện luôn có những cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết trong đời sống hàng ngày của người dân. Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, HĐND huyện đã quyết nghị hỗ trợ 15 triệu đồng/xóm khi triển khai xây dựng mới nhà văn hóa xóm. Giai đoạn 2016-2020, tăng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/xóm, đồng thời hỗ trợ tối đa 10 tấn xi măng/xóm khi các xóm triển khai xây dựng công trình phụ trợ nhà văn hóa.
Hàng năm, UBND huyện Đại Từ chỉ đạo ứng trước xi măng cho các xã để chủ động xây dựng đường giao thông nông thôn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và kịp thời khích lệ, động viên các xóm, khu dân cư nông thôn.
Những tuyến đường rộng 6m đã và đang được đầu tư xây dựng ở xã Cù Vân (Đại Từ). |
Kết quả, huyện Đại Từ đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn này, hệ thống giao thông nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Trong hơn 10 năm, toàn huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp trên 300km đường trục xã, liên xã và trên 500km đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm, nội đồng.
Ngoài giao thông, huyện Đại Từ cũng đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp gần 100 công trình thủy lợi; cứng hóa, cải tạo, nâng cấp trên 100km kênh mương; xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều trạm biến áp, công trình trường học, nhà văn hóa xã, xóm…
Với những gì đã làm được, Đại Từ là huyện có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh; đến nay 100% các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu là La Bằng và Tiên Hội.
Đến nay, Đại Từ đã đạt các tiêu chí của huyện nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Những năm gần đây, Đại Từ là "lá cờ đầu" trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tốc độ xây dựng nông thôn mới nhanh, kinh tế có bước phát triển vượt bậc...
Tuy nhiên, xác định xây dựng nông thôn mới là một “cuộc cách mạng” chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, Đại Từ không “ngủ quên” trên thành tích. Huyện đang và sẽ tiếp tục cố gắng không ngừng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn Đại Từ trở thành vùng đất bình yên, phát triển.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin