Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo NDĐT 10:18, 14/08/2023

Sáng 14-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 25 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 7 ngày, từ 14 đến 18-8 (đợt 1) và từ 24 đến 26-8 (đợt 2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng dự có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất kể từ đầu năm đến nay với 20 nội dung, tập trung chủ yếu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và các nội dung khác.

Để bảo đảm hoàn thành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các nội dung; đặc biệt là nhóm giám sát chuyên đề với 5 chuyên đề lớn; tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thường niên vào tháng 3 và tháng 8. Đây là hoạt động giám sát tối cao mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chương trình cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất kể từ đầu năm đến nay với 20 nội dung. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất kể từ đầu năm đến nay với 20 nội dung. (Ảnh: DUY LINH)

Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá Tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2023-2026.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận đầu tiên tại phiên họp: cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).