Triển khai thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã đẩy mạnh kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Tuyến đường sắt liên vận qua cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu. |
Quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo hai Ðảng, hai nước duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên, củng cố tin cậy chính trị.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) tạo động lực mới, mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung bao gồm những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới.
Ðồng thời, hai bên đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất, như thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường", thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam…
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 6/2023) và chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây, Trung Quốc (tháng 9/2023) tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây khởi sắc. Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 122 tỷ USD.
Xuất khẩu của Việt Nam lấy lại đà tăng, nhập siêu giảm đáng kể. Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD, là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Việt Nam. Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu trong chuyến thăm khu vực Trung Á (tháng 9/2013) và Ðông Nam Á (tháng 10/2013). Về phạm vi địa lý, BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, Mỹ Latin. Trung Quốc đề xuất năm mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến là: kết nối chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối thương mại-đầu tư, kết nối tài chính-tiền tệ, kết nối con người.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.
Tháng 11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã hai lần tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" vào các năm 2017 và 2019.
Tại phiên thảo luận chính sách với chủ đề "Sáng kiến Vành đai và Con đường-chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực" diễn ra tại Hồng Công (Trung Quốc) tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam có vị trí "cầu nối" giữa Trung Quốc với các nước Ðông Nam Á, vì vậy hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI có ý nghĩa thúc đẩy kết nối khu vực.
Ðể hợp tác BRI đem lại những kết quả thực chất, bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các nước phải cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ðể BRI tiếp tục là "chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực" thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển.
Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cần đẩy nhanh phát triển, kết nối mạng lưới giao thông, nhất là mạng lưới đường sắt; thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản của các nước vào thị trường của nhau…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin