Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hoàn thành tốt đẹp.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. |
Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và là lần thứ 4, kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành, trực tiếp trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cũng như đề ra được những giải pháp để khắc phục. Trong đó, có các giải pháp kèm lộ trình cụ thể. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Có thể thấy đây là một kỳ chất vấn chưa từng có tiền lệ. Theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu chất vấn bốn nhóm lĩnh vực theo việc thực hiện 10 nghị quyết từ Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, các thành viên Chính phủ nhận được chất vấn về việc thực hiện lời hứa của mình theo các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, XV.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính, cho rằng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc không chỉ nắm chắc lĩnh vực chuyên môn mà còn mạnh dạn đặt vấn đề và làm rõ thêm các lĩnh vực khác. Còn đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) lại ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về trách nhiệm trong việc trình, triển khai các dự án giao thông; phân kỳ đầu tư đối với các dự án đường cao tốc; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề tai nạn giao thông; giải pháp tháo gỡ cho các dự án BOT; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP)…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, lần chất vấn của kỳ họp thứ 6 có sự khác biệt so với kỳ họp trước. Những báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành được trình bày khá kỹ lưỡng. Ngoài việc điểm lại những nội dung, vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập, đặt ra từ kỳ họp trước đã giúp cho Quốc hội có thể đánh giá những kết quả mà Chính phủ đã thực hiện đến đâu, cũng như còn vướng mắc để có chỉ đạo kịp thời.
Tại phiên chất vấn này, đại biểu Hoàng Văn Cường đặc biệt quan tâm đến báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Báo cáo đã đề cập rõ những kết quả của Chính phủ đã đạt được, cũng như đề cập về nguyên nhân bất cập và đề cập các giải pháp trong thời gian tới. Điều này thể hiện rõ thái độ nghiêm túc của Chính phủ trong việc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Theo dõi hoạt động giám sát tối cao đặc biệt quan trọng này, cử tri đánh giá cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, chất vấn đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống tạo nên phiên chất vấn “thực chất, mang tính xây dựng cao”.
Đa số cử tri đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề cải cách tiền lương và vị trí việc làm tương đối đầy đủ, rành mạch. Cử tri kỳ vọng, những giải pháp Bộ trưởng nêu sẽ sớm được thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong vấn đề tiền lương và vị trí việc làm với cán bộ, công chức hiện nay.
Ngoài ra, trong phiên chất vấn này, những bất cập về điều hành kinh tế, triển khai vốn đầu tư công, thực hiện các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cũng đã được chỉ ra để Quốc hội nhìn nhận và có sự chỉ đạo kịp thời một cách hiệu quả hơn. Đa số đại biểu Quốc hội hài lòng với những câu trả lời thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao phần điều hành khoa học, linh hoạt, sắc sảo, hiệu quả của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều này bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu có quyền chất vấn và giữa những chức danh phải trả lời chất vấn theo đúng quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, bộ trưởng, trưởng ngành nắm rõ tình hình của ngành mình là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phiên chất vấn cho thấy sự liên kết, phối hợp giữa các ngành để giải quyết các vấn đề còn hạn chế. Nhiều vấn đề cụ thể ở địa phương mà các đại biểu Quốc hội cần chất vấn nhưng kỳ chất vấn lần này không được hỏi. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Quốc hội là nơi bàn về “quốc sách”, do đó các chất vấn cần tập trung vào những vấn đề liên quan lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc.
Chất vấn cần đúng tầm, phải làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành, qua đó phản ánh năng lực của các “tư lệnh” ngành. Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh), qua các kỳ chất vấn lãnh đạo các bộ, ngành liên quan lĩnh vực đời sống, lao động, việc làm của người lao động từ đầu nhiệm kỳ đến nay, một số vấn đề đã được giải quyết nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Đại biểu mong muốn, lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ tìm được giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cụ thể, có lộ trình cụ thể nhằm “giải” bài toán về đời sống, việc làm của người lao động. Nhiều đại biểu mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ có những luận giải thấu đáo, giải trình cụ thể về cả những việc đã làm được lẫn chưa làm được, những khó khăn trong điều hành cũng như quá trình giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm, đại biểu chất vấn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất là những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội, cử tri và nhân dân nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành; đồng thời, khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đại biểu Quốc hội và cử tri kỳ vọng, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6,
Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành sẽ cụ thể hóa lời hứa thành những hành động, giải pháp quyết liệt, cụ thể, thể hiện quyết tâm cao nhất; thật sự tạo chuyển biến tích cực đối với các lĩnh vực được chất vấn trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin