Ngày 13/3/1960 là một ngày hội lớn của tỉnh Thái Nguyên. Hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Nhì tặng huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào trong ngày hội lớn này.
Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (nay là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc). Ảnh: Tư liệu |
Người nói: Thái Nguyên là một trong những tỉnh căn cứ cách mạng và kháng chiến. Trong những năm đấu tranh, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều thành tích đánh giặc và sản xuất. Từ khi hòa bình lập lại, đồng bào và công nhân, cán bộ đã phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn và đạt nhiều thành tích đáng khen…
Sau khi biểu dương thành tích mà cán bộ, công nhân, nhân dân trong tỉnh đã làm được, Bác Hồ chỉ ra một số khuyết điểm: Một số công nhân chưa thật yên tâm công tác, kỷ luật lao động chưa chặt chẽ, còn tình trạng đi muộn về sớm, còn lãng phí sức người, sức của. Cán bộ thì tinh thần trách nhiệm còn kém, chưa nắm vững chính sách của Đảng, chưa thật sự đi đúng đường lối quần chúng...
Người yêu cầu: Các cô, các chú ở Khu Gang thép cần phải nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật, học tập các đồng chí chuyên gia, phát huy tinh thần làm chủ hơn nữa, ra sức khắc phục khó khăn, thực hiện khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã tin cậy các cô, các chú, giao cho các cô, các chú.
Về công nghiệp địa phương: Nhân dân và cán bộ hết sức chú ý đến nông nghiệp là đúng, nhưng đồng thời cũng phải chú ý đúng mức đến công nghiệp địa phương. Năm ngoái các xí nghiệp như Xưởng giấy Hoàng Văn Thụ, Mỏ than Làng Cẩm và Quán Triều đều đạt mức kế hoạch, các xưởng chế biến phân phốt phát, xưởng cơ khí nhỏ, xưởng cưa đều có tiến bộ. Nhưng công nghiệp địa phương phải căn cứ vào khả năng của địa phương về nguyên liệu, vật liệu, máy móc, cán bộ và công nhân kỹ thuật, sự tiêu thụ để đặt kế hoạch cho sát, tránh gây ra lãng phí sức của, sức người…
Sau đó, Bác đã đến thăm Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) và Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (nay là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc). Tặng quà các cháu học sinh, nói chuyện với thầy và trò, Bác căn dặn: Các cháu phải chịu khó học tập, phải ngoan ngoãn nghe lời thầy, cô dạy bảo để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc; thầy, cô giáo và cán bộ nhà trường phải chăm sóc và giáo dục các cháu như người cha người mẹ, phải có tình thương yêu dạy dỗ chu đáo, phải chú ý chăm sóc đến đời sống, sức khỏe của các cháu, làm sao cho các mầm non đó phát triển ngày càng xinh tươi, sau này các cháu trở thành cán bộ tốt của các dân tộc…
Hơn 60 năm đã trôi qua, khắc ghi lời Bác dặn, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để có bước bứt phá vượt trội về tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, song với sự năng động, linh hoạt trong điều hành của chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự đồng lòng của nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh đạt 8,59%, cao hơn bình quân chung cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư... vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước. Đáng chú ý là thu nhập bình quân của tỉnh đạt mức 107 triệu đồng/người/năm, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin