Hôm nay (2-12), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, với chủ đề "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển", diễn ra phiên trọng thể với số lượng đại biểu chính thức được triệu tập là 1.100. Hơn 11 triệu cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động trong cả nước đang hướng về đại hội với niềm tin đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Chi nhánh may TNG Phú Bình 1 (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: T.L |
Một nhiệm kỳ đặc biệt
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, nhiệm kỳ qua là một nhiệm kỳ đặc biệt, công đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, thể hiện năng lực thích ứng của mình trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn chính là nỗ lực đối thoại với chủ doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho người lao động. Các cuộc ngừng việc tập thể đã giảm 55,3% so với nhiệm kỳ trước.
Đồng thời, một số mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động hiệu quả, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn có thể kể đến như “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”… đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở. Riêng chương trình “Tết sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng.
Cũng trong 5 năm qua, Công đoàn đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.
Cùng với đó, chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tiếp tục được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của người lao động. Có khoảng hơn 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với tổng số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng...
Sát cánh cùng người lao động
Theo khảo sát, đánh giá của Công đoàn Việt Nam, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động hiện chính là thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng tăng. Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng đề ra trong Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 là tiếp tục sát cánh, đồng hành để người lao động có thu nhập và cuộc sống tốt hơn.
Sản xuất phụ kiện dùng cho xe ô tô, điện thoại di động và thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Samju Vina Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Mạnh Kiên cho biết, điểm mới trong cách thức tổ chức đại hội lần này là: Tăng cường thảo luận, mở 10 diễn đàn chuyên đề để lắng nghe, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn. Các diễn đàn được tổ chức ngay trước thềm đại hội nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết.
Đại diện cho người lao động ngành dệt may, Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm mong rằng, Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ đưa ra nhiều quyết sách thiết thực hơn nữa. Trước mắt là tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức Công đoàn và bảo vệ có hiệu quả quyền lợi kinh tế và chính trị của đội ngũ cán bộ công đoàn; đồng thời bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam đối với đoàn viên và người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Từ thực tế đồng hành, chia sẻ với người lao động, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS Phạm Thị Tuyết Nhung mong muốn, nhiệm kỳ tới Công đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có biện pháp, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thương lượng đưa nội dung tiền lương vào trong thỏa ước lao động tập thể và phân loại, định danh công việc, nhóm công việc để người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng với công sức của họ. Toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn và quan tâm nhiều hơn đến tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân.
Sáng 1-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, diễn ra phiên làm việc thứ nhất, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đại hội nghe trình bày báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu đại hội; tổng quát báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Chiều 1-12, đại hội đã chia tổ thảo luận tại 10 trung tâm. Phiên trọng thể diễn ra sáng 2-12. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin