Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trở lại thăm hỏi, động viên, chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Ngày 01/01/1964, lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên, nói chuyện với 4,5 vạn cán bộ, đồng bào tại Sân vận động, Người căn dặn: “... Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta...”.
Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân xã Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: Tư liệu |
Khắc ghi lời dạy của Người, 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, ra sức phấn đấu, xây dựng Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu có, phồn vinh, trung tâm vùng miền núi phía Bắc. Từ thành thị tới nông thôn, người dân đều phấn khởi thi đua lao động sản xuất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại; khắc phục mọi khó khăn để vươn lên. Mỗi người đều mong muốn được góp công sức, trí tuệ, vật chất… để xây dựng lên một Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Là cán bộ từng tham gia chiến đấu và để lại một phần máu thịt trên chiến trường Quảng Trị, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiển, ở tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) khi trở về với cuộc sống đời thường vẫn luôn là tấm gương mẫu mực ở địa phương. Ông tâm sự: Tôi rất phấn khởi và tự hào trước sự “thay da đổi thịt” từng ngày của quê hương; cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Như tổ dân phố 14 của chúng tôi đã không còn hộ nghèo...
Không chỉ ông Hiển, mà nhiều người đang chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của TP. Thái Nguyên, như thấy thành phố được khoác trên mình "tấm áo mới": Những tuyến đường, phố sạch, đẹp; cầu Bến Tượng, cầu Huống Thượng vươn dài nối đôi bờ sông Cầu; Quảng trường Võ Nguyên Giáp khang trang; những khu trung tâm thương mại, siêu thị bề thế; nhà cao tầng mọc lên san sát... không chỉ ở TP. Thái Nguyên, mà ở tất cả các huyện, thành trong tỉnh đều có những bước phát triển vượt bậc.
Cầu Huống Thượng bắc qua sông Cầu, nối từ phường Túc Duyên sang xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), mới được hoàn thành. |
Nhìn lại năm 2023, mặc dù tình hình trong nước và thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt trên 5%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 113 triệu đồng, tăng 5,6% so với năm 2022 (tương đương 6 triệu đồng/người/năm); tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 27,1 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có 31 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 209,9 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 10,58 tỷ USD. Kết quả trên càng minh chứng và khẳng định thêm vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Không chỉ công nghiệp - thương mại - dịch vụ có bước phát triển mà năm 2023, ngành Nông nghiệp cũng duy trì tăng trưởng ổn định, cơ cấu Ngành tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 15.893,1 tỷ đồng, tăng 4,04% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 451,5 nghìn tấn, bằng 103,5% kế hoạch, đảm bảo an ninh lương thực.
Nông dân xã An Khánh (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. |
Công tác giảm nghèo và chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Dự ước năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1% so với năm 2022 (giảm còn 3,35%).
Chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Tỉnh đã hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, kết nối liên thông đến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2021); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2022 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 09 bậc so với năm 2021)...
Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. |
Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tháng 9-2023, tại Singapore, Quy hoạch tỉnh đã xuất sắc giành giải Bạc - Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023.
Năm 2023 đã sắp kết thúc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với cả nước chuẩn bị đón chào một mùa Xuân mới với niềm tin và hy vọng mới. Dẫu biết rằng năm 2024, chúng ta vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhưng trong lòng mỗi người dân Thái Nguyên luôn có Bác, luôn khắc ghi lời Bác dạy và tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người thì không một trở ngại nào khiến chúng ta lùi bước.
Năm 2023, Thái Nguyên duy trì được đà tăng trưởng dương; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 5,56%. Toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Định Hóa và Đại Từ); nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65%), 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 66,67%)... Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 123 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 19.515 tỷ đồng… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin