Hòa chung khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 29/4/1975, Quân chủng Hải quân đã bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa - quần đảo có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế. 49 năm sau ngày giải phóng, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, đoàn kết xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm trên đảo Song Tử Tây. |
Tự hào là công dân Trường Sa
Đến đảo Trường Sa, chúng tôi cảm giác như đi giữa vùng quê ở đất liền khi thấy các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khang trang, ẩn mình dưới những tán cây bàng vuông, tra… xanh ngát. Hòa với tiếng sóng là tiếng chuông chùa văng vẳng giữa trùng khơi, tiếng trẻ em bi bô học bài, tiếng chim hót líu lo dưới tán phi lao đang vươn mình đón nắng. Tất cả tạo nên nhịp sống thanh bình giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ.
Anh Nguyễn Minh Tâm, một người dân sinh sống trên đảo Trường Sa chia sẻ: Đời sống vật chất và tinh thần của bà con chúng tôi ngày càng được cải thiện. Khi đau ốm, mọi người đến bệnh xá điều trị, trẻ con được cắp sách đến trường đúng độ tuổi. Cán bộ chiến sĩ và bà con trên đảo sống đoàn kết, luôn coi nhau như người thân ruột thịt. Chúng tôi luôn tự hào là công dân Trường Sa.
Dẫn chúng tôi đi dưới hàng cây rợp bóng mát, Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Không chỉ chú trọng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân trên đảo cũng luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Và mỗi ngư dân trong hành trình bám biển cũng chính là “cột mốc sống”, góp phần cùng chiến sĩ hải quân gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và các đại biểu dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sa. |
Với sự chung sức, đồng lòng của quân và dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng xanh tươi, đổi mới. Các công trình như âu tàu, cầu cảng, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn… được đầu tư, cải tạo khang trang. Quân và dân trên đảo đã được sử dụng hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời, có truyền hình vệ tinh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, tại một số đảo còn có các công trình như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chùa, nhà văn hóa… là nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho quân dân trên đảo.
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao 1 tỷ đồng của tỉnh tặng Quân chủng Hải Quân, góp phần thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. |
Điểm tựa nơi đầu sóng
Huyện đảo Trường Sa hiện có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật, âu tàu tại các đảo như: Đá Tây, Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, có sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu, tránh trú bão và tiếp nhận nước ngọt, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để đi khai thác hải sản xa bờ. Tại đây, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sẵn sàng sửa chữa tàu thuyền, tham gia cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân cần trợ giúp để bà con yên tâm vươn khơi bám biển. Anh Hồ Mạnh Tưởng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Trung bình mỗi ngày, trung tâm sản xuất 830 cây nước đá để phục vụ nhu cầu của bà con ngư dân tham gia đánh bắt hải sản với giá bán bằng ở đất liền. Ngoài ra, trung tâm cũng cung cấp nước ngọt miễn phí, sửa chữa tàu thuyền của bà con ngư dân khi gặp nạn.
Lễ duyệt binh trên đảo Trường Sa. |
Trong năm 2023, các đảo trên huyện đảo Trường Sa và các tàu trực thuộc Vùng 4 hải quân đã hỗ trợ hơn 400 tàu gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm do thời tiết xấu; hướng dẫn hơn 6.000 lượt tàu cá vào các âu tàu tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, huyện đảo có 10 bệnh xá được xây dựng khang trang, với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao, luôn làm tốt công tác khám chữa bệnh, cấp phát thuốc kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân gặp nạn. Năm 2023, huyện đảo đã cấp cứu cho hơn 100 trường hợp người dân trên đảo và ngư dân các tỉnh đến khám, chữa bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã thông qua Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước. Đây là cơ sở vững chắc để quân và dân tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Những "mầm xanh" trên đảo Trường Sa. |
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa
Để động viên quân, dân quần đảo Trường Sa, hằng năm, Đảng, Nhà nước đều tổ chức các đoàn ra thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở huyện đảo và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Đoàn công tác gồm hơn 200 đại biểu của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phóng viên, văn nghệ sĩ trong cả nước do Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn cũng vừa kết thúc chuyến công tác đầy ý nghĩa.
Tham gia cùng Đoàn công tác, đại biểu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trong chuyến công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã tặng Quân chủng Hải Quân 1 tỷ đồng, góp phần thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.
Cũng trong dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huyện đảo Trường Sa 2 xuồng CQ trị giá 10,4 tỷ đồng; 2 vườn rau công đoàn trị giá 500 triệu đồng. Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam tặng 500 triệu đồng hỗ trợ mua sắm dụng cụ y tế cho Trường Sa. Tỉnh Bắc Giang tặng 300 triệu đồng cho Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Ngoài ra, đoàn công tác đã trao tặng quân, dân trên các đảo và Nhà giàn DK1/11 một số nhu yếu phẩm và dụng cụ sinh hoạt. Đây tiếp tục là nguồn động viên giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Cán bộ chiến sĩ Hải quân tiếp tế lương thực, thực phẩm cho chủ tàu cá ở tỉnh Bình Định. |
Trường Sa là máu thịt thiêng liêng, là nơi mà cả triệu trái tim người dân đất Việt luôn hướng về. Trường Sa hôm nay mặc dù không còn bóng quân thù nhưng nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây chưa bao giờ ngơi tay súng. Huyện đảo Trường Sa cùng Lữ đoàn 146 luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo quê hương, đúng như lời chia sẻ của Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: “Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, mạng sống của mình, chúng tôi cũng chẳng tiếc”.
Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin