Lênin là người lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, lập ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Di sản mà Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận, tư tưởng, trong đó có vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ.
Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”, Lênin vạch rõ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo Lênin, lựa chọn đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ nắm giữ vai trò lãnh đạo phải là người có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực làm việc hay “uy tín chuyên môn” và phẩm chất đạo đức cách mạng. Người đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn khi xem xét, đánh giá cán bộ cần phải làm rõ: “a) Về mặt trung thực, b) Về lập trường chính trị, c) Về hiểu biết công việc, d) Về năng lực quản lý”. Người cũng nêu rõ, khi lựa chọn, bố trí cán bộ phải căn cứ “theo những tiêu chuẩn mới, đáp ứng với những nhiệm vụ mới” để phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Lãnh tụ Lênin. Ảnh: National Today |
Về phẩm chất chính trị của người cán bộ, Lênin coi đây là tiêu chuẩn hàng đầu, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với công tác cán bộ của Đảng. Người nêu rõ: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay, đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”. Lênin cho rằng, việc lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất chính trị vào vị trí lãnh đạo là khâu rất thận trọng và khó khăn, cho nên phải tìm hiểu kỹ về nhiều mặt của người cán bộ, tránh phiến diện, chủ quan.
Phẩm chất chính trị của người cán bộ không chỉ thể hiện ở lòng trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích của dân tộc, mà còn thể hiện ở năng lực đưa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả, tức phải “biến các sắc luật từ trạng thái là giấy lộn đầy bụi bặm… thành thực tiễn sống động”. Đồng thời, người cán bộ phải có tính kỷ luật cao, luôn tự giác, quyết liệt đấu tranh để “tẩy sạch” những tật xấu của mình và của tổ chức mình, để làm trong sạch nội bộ Đảng.
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Lênin rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, đưa ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải “học, học nữa, học mãi”. Lênin chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”. Lênin không chỉ quan tâm việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ ở trong nhà trường, qua sách vở, mà phải đào tạo, bồi dưỡng trong môi trường thực tiễn, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý và học tập cả kinh nghiệm của các chuyên gia tư sản. Người đưa ra yêu cầu bãi miễn những cán bộ nào không chịu học tập để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi.
Đối với công tác đánh giá và lựa chọn cán bộ lãnh đạo, Lênin luôn nhấn mạnh cần bảo đảm minh bạch, khách quan, trung thực; phải dựa vào quần chúng, nắm thông tin từ quần chúng. Người căn dặn: “Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó”. Việc lựa chọn, bố trí và luân chuyển cán bộ được Lênin đặc biệt coi trọng. Người chỉ ra một nguyên tắc quan trọng trong lựa chọn và bố trí cán bộ là phải “đặt người đúng việc”, phải “nắm chắc được trong tay những bộ máy mà họ được đặt vào, chứ không phải là bộ máy nắm lấy họ”. Đồng thời, Lênin nêu rõ phải có sự luân chuyển cán bộ với cách thức cụ thể là cử cán bộ cấp cao ở Trung ương về công tác tại địa phương.
Chăm lo đến xây dựng đội ngũ cán bộ, Lênin còn chỉ ra phương châm phải bảo đảm tính liên tục và cơ cấu xã hội hợp lý. Theo đó, Lênin căn dặn Đảng phải thu hút thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn vào công việc chính trị, quản lý kinh tế, xã hội. Khi lựa chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, các đảng viên mới được kết nạp để giao việc, phải chú trọng đến khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn của họ, tránh rập khuôn, giáo điều.
Trong công tác cán bộ, nhất là trước mỗi kỳ đại hội Đảng, Lenin yêu cầu phải lựa chọn thật cẩn thận những cán bộ tốt cho cách mạng. Kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng, bệnh giáo điều, bệnh “kiêu ngạo cộng sản” và mọi biểu hiện suy thoái, cơ hội; phải “đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược” và tất cả những kẻ “đã len lỏi vào đảng”, “cản trở cuộc đấu tranh” của Đảng.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công tư tưởng, lý luận của Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ vào quá trình tổ chức, xây dựng Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, Đảng ta đang chuẩn bị công tác tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong điều kiện tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là công tác nhân sự với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, trí tuệ, có uy tín cao để đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng ta coi đây là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã nêu rõ yêu cầu: Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ; phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc. Đồng thời, kiên quyết không đưa vào quy hoạch những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Ðó cũng là sự trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin