Ngày làm việc thứ tư tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH làm việc tại tổ, thảo luận về các nội dung của Kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đắk Nông, Thừa Thiên Huế, Long An. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, chủ trì tổ thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, chủ trì tổ thảo luận số 7. |
Theo chương trình Kỳ họp, các đại biểu tiến hành thảo luận 3 nội dung liên quan đến các vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải đề nghị, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH cũng như các chương trình, cơ chế, chính sách, việc đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu như tỷ lệ tinh giản biên chế, tỷ lệ vốn đối ứng thực hiện... cần được nghiên cứu, cân đối phù hợp với đặc thù, tình hình phát triển KT-XH của từng khu vực, địa phương.
Tham gia ý kiến vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) quan tâm đến chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Nhấn mạnh năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu này không đạt, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt thấp hơn so với mục tiêu, qua đó có giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược nhằm nâng cao chỉ tiêu này trong thời gian tới.
Đối với tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Đoàn Thị Hảo đánh giá, công tác xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tập trung xử lý. Tuy nhiên, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, có giải pháp, chỉ đạo tích cực hơn để đẩy mạnh tiến độ xử lý dự án; trước mắt, cần thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Liên quan đến vấn đề giao thông, đại biểu Đoàn Thị Hảo đánh giá, hệ thống đường bộ cao tốc được quan tâm đầu tư, xây dựng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến hệ thống giao thông kết nối giữa các tuyến đường cao tốc với các địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, đánh giá để sớm bố trí nguồn vốn đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện kết nối và phát triển đồng đều giữa các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cũng như giữa khu vực này với các địa phương trong cả nước. Trong đó, Quốc lộ 279 là tuyến đường huyết mạch liên tỉnh, kết nối các tỉnh từ Quảng Ninh đến Điện Biên, đi qua 10 tỉnh và 30 huyện nghèo của các tỉnh miền núi phía Bắc và tuyến Quốc lộ 1B đi qua nhiều địa phương còn khó khăn của tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lạng Sơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) ghi nhận các thành tựu đã đạt được trong phát triển KT-XH cũng như thống nhất với các khó khăn, thách thức đã được nêu ra trong báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét lại thực tiễn thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH, nhất là việc thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đưa ra một số kiến nghị như: Cần tính đến vấn đề di cư khi xây dựng chính sách, đồng thời có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này; nghiên cứu mức hỗ trợ phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ; nghiên cứu để có cơ chế xử lý phù hợp, hiệu quả đối với cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập.
Quan tâm đến vấn đề tội phạm lừa đảo công nghệ cao, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) nhận định hiện nay tình trạng có mua bán tài khoản, chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tố đối với loại hình tội phạm này. Đại biểu đề nghị cần có sự quản lý chặt chẽ việc lập tài khoản ngân hàng, có cơ chế để phát hiện các giao dịch bất thường.
Theo đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên), Chính phủ cần cân nhắc và có lý giải về việc sử dụng biện pháp đấu giá để bình ổn thị trường vàng, đồng thời nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả hơn. Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, đại biểu đề nghị có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn điện mặt trời áp mái, phù hợp với lợi ích chung cũng như nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin