Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã nỗ lực điều hành, chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu.
Trong đó, các khu vực công nghiệp, xây dựng, nông-lâm-thủy sản, dịch vụ dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thương mại.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực (một số nước thậm chí ghi nhận tăng trưởng âm).
Công tác đối ngoại của đất nước được tăng cường; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, có những chuyển biến hết sức tích cực. Công tác thực hành tiết kiệm, theo báo cáo của Chính phủ, cũng có nhiều tiến bộ.
Cùng với đó, vấn đề chăm lo cho người nghèo, việc làm cho lao động nông thôn và tình trạng thất nghiệp ở thành thị cũng được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.
Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ 13. (Ảnh: DUY LINH) |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn các tác động của tăng trưởng trên các mặt xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư của tư nhân trong nước năm vừa qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp trong thời gian tới. “Điều này hết sức quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng cần quan tâm đến tính bền vững của các động lực tăng trưởng.
Nhấn mạnh những tháng còn lại năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhất là khi tình hình kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế bên ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có cần có các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt.
Đồng thời, triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các nghị định, thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… đã được Quốc hội thông qua.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2024-2025, quan tâm đúng mức đến ổn định kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Nêu ý kiến trong phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao cho năm 2023 và năm 2024.
Mặc dù tình hình thế giới còn nhiều biến động, khó lường nhưng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, thể hiện trên nhiều phương diện như hoàn thiện thể chế, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông...
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề cập một số vấn đề Chính phủ cần lưu tâm, chẳng hạn như số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, gây nguy cơ về an sinh xã hội và an toàn Quỹ bảo hiểm xã hội.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu trong phiên thảo luận tổ. (Ảnh: DUY LINH) |
Bên cạnh đó là điểm nghẽn về thủ tục hành chính khi còn một số quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, song chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; giá vé máy bay tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của nhân dân...
Về độ mở của nền kinh tế, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới, với tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP tăng liên tục từ 81% năm 1990 lên 186,5% năm 2021.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo đại biểu, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.
Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.
Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các FTAs, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta, xem xét độ mở bao nhiêu là phù hợp, nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế, từ đó xác định lại động lực và mô hình phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin