Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa; luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng, vừa là “phên giậu”, vừa là hậu phương vững chắc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đấu tranh kiên cường; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; cùng cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách, viết nên những trang vàng trong lịch sử dân tộc.
Ban Giám khảo cuộc thi “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác”. |
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên những trang sử hào hùng, chói lọi.
Với Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu đậm. Từ khi Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội (ngày 12/10/1954), Bác Hồ đã 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên. Lần cuối cùng về thăm tỉnh vào ngày 1/1/1964, Bác đã căn dặn và bày tỏ mong muốn toàn thể cán bộ và đồng bảo tỉnh nhà “phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khắc ghi tình cảm sâu đậm của Người đối với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác”, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Thái Nguyên (1/1/1964-1/1/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cuộc thi được phát động từ ngày 1/2/2024, trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 15-4, Ban Tổ chức đã nhận được gần 28 nghìn bài dự thi, trong đó có gần 27 nghìn bài của các tác giả, nhóm tác giả trong tỉnh và trên 1 nghìn bài dự thi của các tập thể, cá nhân từ 22 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, có 13 bài dự thi của người nước ngoài đang sinh sống, công tác, học tập trên địa bàn tỉnh. Đơn vị có số bài dự thi nhiều nhất là TP. Thái Nguyên, với 8 nghìn bài; TP. Phổ Yên trên 5,7 nghìn bài; TP. Sông Công, huyện Đại Từ và Tỉnh đoàn có trên 2.000 bài.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã phát động Cuộc thi, tiếp nhận bài thi cấp cơ sở và tổ chức chấm sơ khảo, lựa chọn những bài thi có chất lượng cao gửi về Ban Tổ chức. Qua đó lựa chọn được 60 bài, đáp ứng các tiêu chí và tiến hành chấm 2 vòng tiếp theo. Dự kiến thời gian hoàn thành chấm, xét và trao giải vào dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, thành viên Ban Giám khảo, chấm bài tham dự thi. |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi: Nhớ đến Bác, chúng ta nhớ đến công lao trời biển của Người, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn. Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng, nâng cao đạo đức cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc về tình cảm của Bác Hồ đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, cũng như tình cảm của cán bộ, nhân dân Thái Nguyên đối với Bác. Qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong gương mẫu, tích cực rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Giúp họ hăng hái thi đua, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; tích cưc phấn đấu học tập, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Ban Tổ chức sẽ lan tỏa những bài dự thi đoạt giải cao nhằm tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các bài dự thi đáp ứng yêu cầu đề ra, có nhiều tác giả đầu tư khá công phu, dung lượng lớn, trình bày sáng tạo; việc sưu tầm thông tin tư liệu đa dạng, phong phú… Các tác giả tham dự Cuộc thi đã trả lời đúng nội dung trọng tâm câu hỏi đặt ra, nêu bật các sự kiện quan trọng, ghi lại dấu ấn, hành trình những năm tháng Bác Hồ và Trung ương Đảng sống, làm việc tại ATK Định Hóa, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Có bài viết nêu bật những tình cảm sâu đậm của Bác Hồ dành cho Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên và tình cảm của nhân dân Thái Nguyên đối với Bác; hay những kết quả, thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đạt được nhờ có đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng...
Cuộc thi “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác” thực sự góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên và đồng bào các dân tộc Thái Nguyên phát huy truyền thống vẻ vang của chiến khu Việt Bắc, của Thủ đô kháng chiến, ra sức phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới xây dựng Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin