Truyền cảm hứng, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần, khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Theo NDĐT 18:01, 12/05/2024

Sáng 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên (SV-Startup) lần thứ VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khai mạc SV-Startup.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khai mạc SV-Startup.

Cùng dự có Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Ngày hội nằm trong khuôn khổ các hoạt động tiếp tục triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Sự kiện được tổ chức với mục đích thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân, lập nghiệp, giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường học đi đôi với hành trong các cơ sở giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại sự kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại sự kiện.

Tại đây, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao cũng sẽ được tuyển chọn để tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp; kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Sau 6 năm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục. Các kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 90% học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2023, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp.

Đến nay, mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước đã được hình thành. Có 60% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tham dự sự kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tham dự sự kiện.

Có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Có khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Đến năm 2023, có 9 cơ sở đào tạo đã thành lập được các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm; có nhiều doanh nghiệp đồng hành triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án 1665 giai đoạn từ năm 2022-2025.

Sau 6 năm tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được 1.924 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và hơn 1.111 dự án đến từ các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn.

Trong số các dự án đoạt giải của cuộc thi, đã có những dự án nhận được đầu tư từ Nhà nước và đã được đưa vào triển khai sản xuất tại một số địa phương. Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi trong toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi - Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội báo cáo một số kết quả thực hiện Đề án 1665 và Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy báo cáo kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; em Nguyễn Thị Hoài Ni - học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu (Thành phố Hồ Chí Minh) là thành viên của dự án “Bioplastic - Sản xuất nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” chia sẻ về khát vọng khởi nghiệp; Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Trần Trung Tính đã trình bày các kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan các giải pháp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, nhất là có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công.

Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại lịch sử của cách mạng Việt Nam, với quan điểm “dân giàu thì nước mạnh”, tinh thần khởi nghiệp đã được Bác Hồ kính yêu nhắc đến từ rất sớm; trong Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Bác viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ. Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” bằng Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 (Đề án 1665)

Theo tinh thần Đề án 1665, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm từ năm 2018 đến nay đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một gian trình bày ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một gian trình bày ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.