Cùng với việc nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị cũng đang tiến hành các công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XIV của Ðảng.
Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. (ẢNH: ĐĂNG KHOA) |
Tiểu ban Văn kiện Ðại hội XIV của Ðảng đã và đang có các cuộc làm việc với các địa phương trong cả nước để nắm bắt tình hình thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới.
Ðây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao của các địa phương để nội dung báo cáo tổng kết, trao đổi, kiến nghị với Ðoàn công tác của Trung ương có chất lượng cao, thể hiện rõ những "chuyển động" ở cơ sở cả về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và thực tiễn triển khai nhiệm vụ cùng những bài học kinh nghiệm quý.
Ðó cũng chính là căn cứ để Trung ương xác định phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trước tình hình đó, tôi cho rằng bài viết "Công tác xây dựng Ðảng: Nên đánh giá thế nào cho đúng?" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh gợi mở một số vấn đề cần được đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu.
Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra tháng 2 năm 1996, đúng vào dịp chuẩn bị diễn ra Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng; trong bài, tác giả nhấn mạnh: Ðại hội có nhiệm vụ tổng kết 10 năm đổi mới ở nước ta, vạch ra phương hướng, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cách mạng nước ta đang ở bước chuyển lớn lao, có nhiều thời cơ nhưng cũng đang đứng trước những thách thức gay gắt. Tình hình thế giới có những diễn biến thuận lợi, nhưng cũng có không ít yếu tố bất trắc và phức tạp. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Bản thân Ðảng ta, bên cạnh mặt mạnh, mặt ưu điểm, cũng đang bộc lộ không ít nhược điểm và những vấn đề phải giải quyết. Nếu không lo củng cố xây dựng Ðảng cho thật vững mạnh thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Vấn đề tác giả nêu vẫn rất đúng trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và xác định phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.
Sau khi chỉ ra những thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, góp phần để Ðảng ta tiếp tục giữ vững và phát huy được bản lĩnh và kinh nghiệm của các thời kỳ trước, lãnh đạo có kết quả công cuộc xây dựng đất nước, kể cả trong những tình huống hết sức phức tạp, tác giả cho rằng công tác này còn những yếu kém, bất cập và có một số vấn đề lớn nổi lên.
Ðó là: Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa giao lưu với các nước, nhiệm vụ chính trị mới mẻ, môi trường xã hội có nhiều phức tạp, cán bộ, đảng viên của Ðảng giữ nhiều trọng trách, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, đối mặt với chủ nghĩa tư bản, phải làm sao giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Ðảng. Nếu không có biện pháp tích cực đổi mới, chỉnh đốn Ðảng thì Ðảng rất dễ bị biến chất. Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, thoái hóa, tham nhũng, sống xa dân, hư hỏng về đạo đức và lối sống là vấn đề nhức nhối và làm giảm uy tín của Ðảng. Trong khi đó, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở nhiều nơi yếu kém, thậm chí có nơi rệu rã, tê liệt. Tổ chức bộ máy nặng nề, cồng kềnh; phương thức lãnh đạo và sinh hoạt, hoạt động vẫn lúng túng. Trong Ðảng có tình trạng vừa kém dân chủ, vừa thiếu kỷ luật kỷ cương, chưa thực hiện đúng tập trung dân chủ; một số nơi nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng; quan hệ đồng chí anh em không được như trước. Trong khi đó, nhiều cấp ủy đảng chưa quan tâm đầy đủ và có biện pháp kiên quyết tích cực để đổi mới, chỉnh đốn Ðảng; thậm chí có nơi chỉ lo làm ăn kinh tế, lo công tác chuyên môn; coi nhẹ công tác xây dựng Ðảng…
Từ đó, tác giả khẳng định: Càng đi vào phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, càng cần phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng. Sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội khác.
Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường sẽ càng nhiều, là thách thức rất lớn đối với cán bộ, đảng viên trong việc giữ gìn đạo đức cách mạng, đồng thời tạo áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý cán bộ, đảng viên.
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy rõ không ít cán bộ, đảng viên bị lợi ích, tiền bạc cám dỗ mà quên lời thề danh dự, gây ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, giảm sút niềm tin của nhân dân.
Bởi vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, từ những hoạt động cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, mỗi cán bộ, đảng viên cần có ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để việc xây dựng các báo cáo tổng kết, đánh giá đạt chất lượng cao, thật sự có giá trị trong việc xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và nhất là rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn quý báu nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp phần để Ðảng ta ngày càng vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái đưa đất nước vượt mọi khó khăn, từng bước đi lên một cách vững chắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin