Khi nghị quyết xuất phát từ cuộc sống

Phạm Ngọc Chuẩn 09:03, 16/08/2024

Những năm gần đây, xóm Dọc Cọ (xã Cổ Lũng, Phú Lương) có sự thay đổi toàn diện. Giao thông mở mang, nhà văn hóa xây mới, số hộ nghèo giảm. Nhân dân tích cực hiến đất, góp công, của xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng chí Trương Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm, chia sẻ: Bí quyết của chúng tôi nằm ở chỗ huy động được sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, nhưng quan trọng hơn cả là nghị quyết của Chi bộ được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.

Ban Công tác mặt trận xóm Dọc Cọ bàn bạc về việc đóng góp xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa xóm.
Ban Công tác mặt trận xóm Dọc Cọ bàn bạc về việc đóng góp xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa xóm.

Xóm Dọc Cọ có “thương hiệu” khó khăn nhất của xã Cổ Lũng, nhưng đó là chuyện của ít năm trước. Hiện Dọc Cọ đã mang một diện mạo mới, giao thông thuận tiện, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng rãi, nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia. Mọi đổi thay ở xóm đều xuất phát từ việc Chi bộ xóm xây dựng, ban hành và chỉ đạo đến các tổ chức đoàn thể, nhân dân thực hiện nghị quyết chi bộ phù hợp, sát thực tế. Cụ thể, trong Nghị quyết Chi bộ giai đoạn 2022-2025 có các nội dung: Ưu tiên làm mới đường bê tông; mở tuyến đường kết nối giữa 2 khu dân cư của xóm; xây dựng mới nhà văn hóa...

Do địa hình chia cắt, 82 hộ dân xóm Dọc Cọ phải chia thành 2 khu dân cư. Khó khăn được mọi người nhìn thấy hằng ngày nhưng bao năm không tháo gỡ được. Tuy cùng xóm, nhưng gần như cách biệt bởi đoạn đường nối giữa 2 khu dân cư phải đi nhờ trên bờ ruộng. Nhiều hộ khi đến nhà văn hóa xóm tham dự hội họp phải đi đường vòng qua quãng đường dài 2km.

Câu chuyện cái bờ ruộng và mở rộng đường được Chi bộ "đặt lên bàn cân”, mạnh bạo đưa vào nghị quyết. Rồi bằng uy tín, nhiệt tình vận động của các các thành viên Ban Công tác mặt trận, 8 hộ có ruộng liền kề đã hiến gần 8.000m2 đất để mở mới 1 tuyến đường nối gần lại 2 khu dân cư.

Ông Nguyễn Minh Quang, Trưởng xóm, nhớ lại: Đó là những ngày vui của bà con Dọc Cọ. Ai nấy tích cực tham gia, vừa làm đường, xây kè, đổ đất, dải bây, non chục ngày với hơn 200 ngày công lao động, tuyến đường dài 300m, rộng 2,7m được hiện hữu. Mơ ước của người dân Dọc Cọ đã trở thành hiện thực.

Bà Triệu Thị Thái, Chi hội trưởng Phụ nữ, không dấu được xúc động: Nhờ có tuyến đường mới, chị em chúng tôi ra chợ, đi tập văn nghệ dưỡng sinh không lo bị lấm bẩn vì trơn ngã.

Còn bà Lê Thị Mơ, Chi hội trưởng Nông dân, phấn chấn nói: Từ nay, bà con không phải gánh gồng phân bón và sản phẩm khi thu hoạch qua đường bờ ruộng, xe cơ giới mang thay sức người. Cũng vì thế bà con trong xóm gọi đây là tuyến đường hạnh phúc.

Được biết, năm 2022, bà con Dọc Cọ đã chung sức hoàn thiện hơn 500m đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới.

Người dân xóm Dọc Cọ tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng, dọn dẹp đất đá để làm nhà văn hóa xóm.
Người dân xóm Dọc Cọ tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng, dọn dẹp đất đá để làm nhà văn hóa xóm.

So với các vùng lân cận, Dọc Cọ đi sau rất nhiều về xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Bởi nhiều lý do, trong đó có đời sống của người dân còn khó khăn. Năm 2023, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm, thấp hơn bình quân chung toàn huyện 17 triệu đồng. Cái khó với Dọc Cọ là phải thay đổi tư duy, quyết liệt vượt ải “an phận thủ thường” vốn có ở đội ngũ đảng viên và người dân. Điều này được nhiều người nhận thức được, nhưng phải đến Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025, Chi bộ mới mạnh dạn đưa vào nghị quyết một số tiêu chí làm thay đổi diện mạo xóm.

Ông Hoàng Trung Học, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, xóm luôn có công trình giao thông mới. Riêng năm 2024, ngoài đổ bê tông tuyến đường dài hơn 300m, bà con tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Thôn đội trưởng, nói: 3 năm nay, bà con đóng góp nhiều, nhưng đổi lại là hằng ngày được đi trên những tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Và hiện nhà văn hóa của xóm đang được xây dựng, dự kiến cuối quý III/2024 hoàn thiện…

Qua trò chuyện với bà con, chúng tôi được biết thêm: Đời sống kinh tế của hầu hết các hộ dân xóm Dọc Cọ chưa dư dả nhiều, nhưng khi xóm phát động làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thì nhà nhà đều tích cực tham gia.

Ông Lý Văn Phương, Tổ trưởng an ninh, nói cụ thể: Trên tổng khuôn viên khu đất là 2.500m2, xóm thống nhất xây dựng nhà văn hóa rộng 180m2, dự toán kinh phí xây dựng khoảng 600 triệu đồng. Mọi việc đều được bàn bạc trong chi bộ và các cuộc họp dân. Ai nấy giơ tay biểu quyết, nhất trí tham gia đóng góp tạm thời ở mức 1 triệu đồng/người. Hộ có nhiều khẩu nhất là gia đình ông Đặng Văn Thái, 10 suất, nộp 10 triệu đồng...

Đến thời điểm này, Ban Xây dựng xóm đã vận động được 470 triệu đồng, trong đó nhân dân xóm đóng góp 310 triệu đồng; con em xóm đi làm ăn xa “bắn tiền” ủng hộ quỹ xây dựng xóm được 90 triệu đồng; huyện hỗ trợ 70 triệu đồng. Để giảm tiền công xây dựng, bà con tích cực tham gia lao động, hỗ trợ cho đội thợ làm việc hiệu quả.

Công trình nhà văn hóa được xây dựng, niềm tin của người dân Dọc Cọ được củng cố. Bà con phấn chấn, sẵn sàng bán gà, bán thóc lấy tiền đóng góp thêm nếu công trình chưa đủ kinh phí xây dựng.

Bà Nguyền Thị Dậu, Chi hội trưởng Người cao tuổi, đúc kết: Chưa bao giờ xóm thay đổi nhanh như 3 năm gần đây. Các yếu tố tạo nên thành quả này phải bắt đầu từ Chi bộ có nghị quyết đúng, phù hợp với thực tế nhu cầu cuộc sống. Cùng với đó là tinh thần dân chủ, công khai, không vụ lợi, tư túi của đội ngũ chủ chốt; mọi việc nhân dân đều được tham gia bàn bạc, đặc biệt là ý kiến của người dân được các ông bà đại diện xóm tôn trọng. Chỉ có như thế nghị quyết của Chi bộ mới có sức sống.