Ngày 20/9/1953 và 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo trong ATK tuyệt mật Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc họp của Bộ Chính trị, nghe báo cáo tình hình, thảo luận và cuối cùng có quyết định lịch sử: Mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và quyết định tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Khắp các vùng miền, hừng hực khí thế tiến công. Bộ đội, dân công các tỉnh đồng bằng đến Nho Quan (Ninh Bình) cùng với tuyến Thanh Hóa, Hòa Bình theo đường 6 mà lên Điện Biên…
Tại ATK Định Hóa, tháng 9-1953, trước khi quyết định mở chiến dịch, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng mô hình tập đoàn cứ điểm để diễn tập thực binh tại xã Đồng Thịnh, vì nơi này có địa hình giống lòng chảo Điện Biên. Trong một tuần liền, các địa danh cứ điểm như đồi A1, sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh, hầm Đờ-Cát và các cứ điểm khác, cùng hàng rào dây thép gai, vật cản, được bao quanh và ngụy trang bằng cây cỏ phòng máy bay thám thính.
Tất cả các địa điểm của quân Pháp tại Điện Biên Phủ đều được mô phỏng lại để phục vụ bộ đội ta diễn tập đánh địch. Trong hai ngày diễn tập "trận giả" đánh Điện Biên Phủ, một đơn vị bộ đội đặc biệt thuộc Đại đoàn quân tiên phong (Đại đoàn 308) được chọn thực hiện cuộc diễn tập này với đầy đủ các hạng mục, sử dụng súng bộ binh bắn phát tiếng nổ, bộc phá đánh lô cốt, hàng rào dây thép gai, bắn súng DKZ, bộc phá đánh hàng rào, đánh giáp lá cà… Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ kết quả của cuộc tập trận này, tại lán Tỉn Keo, ngày 6/12/1953, sau khi nghe Đại tướng, Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự, Bác Hồ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái) đã nhất trí thông qua phương án tác chiến, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh "Trần Đình". Đồng thời thành lập Đảng ủy mặt trận và cử Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.
Bộ đội kéo pháo vào lần 2 chuẩn bị tác chiến theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Ảnh tư liệu |
Mọi công việc chuẩn bị cho Chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất liên quan tới vận mệnh toàn dân tộc. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngày 7/5/1954, quân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi vĩ đại, làm nên một kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của Chiến dịch còn là thắng lợi của việc phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra Chiến dịch. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong Chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.
Thái Nguyên cũng có những đóng góp rất to lớn cho chiến thắng: Hơn 17.000 thanh niên tòng quân đánh giặc, hơn 15.000 dân công hỏa tuyến, 1.607 người hy sinh và được công nhận liệt sĩ…
Về phía Pháp, toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh; trong đó có 2.293 lính và chỉ huy tử trận, 6.650 người bị thương, 11.721 người bị bắt làm tù binh… Thái Nguyên tự hào được lịch sử giao làm căn cứ địa và Thủ đô kháng chiến, là nơi phát tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Rõ ràng Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của Dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc được quyết định ở đây. Và từ đây, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện”.
70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin