ĐƯỜNG TỚI ĐIỆN BIÊN, kỳ 1: Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền

Hữu Minh 15:37, 09/04/2024

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954-7/5/2024), Tòa soạn Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu bút ký dài kỳ: "Đường tới Điện Biên” của nhà báo Hữu Minh. Tác phẩm hệ thống lại những điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo cuộc Kháng chiến kiến quốc trường kỳ 9 năm của cách mạng nước ta, trong đó, hạt nhân quyết định là Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và địa danh ATK Thái Nguyên.

Đoàn xe thồ từ Việt Bắc đi tới Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Kỳ I: Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền

Khi tôi ngồi vào bàn máy để thực hiện bút ký này cũng là lúc các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đang dậy sóng về một hiện tượng văn hóa. Đó là Hà Nội đang công chiếu phim truyện 100 phút: Đào, Phở và Piano. Phim lấy bối cảnh về Thủ đô Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947 (19/12/1946-27/2/1947) kiên cường chống Pháp xâm lược lần thứ hai, bảo vệ các cơ quan đầu não rút về chiến khu Việt Bắc. Nội dung phim gây xúc động bởi nó tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta, những tiềm tàng về văn hóa, thanh lịch và lãng mạn... Bộ phim thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả đã khẳng định rằng: Người Việt rất trân trọng và ham mê tìm hiểu lịch sử. Và, công nghiệp điện ảnh hoàn toàn có thể góp phần hiệu quả việc dẫn dắt quốc dân như chức năng cao quý của văn hóa. Thời điểm 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử ấy, Việt Bắc mà Thái Nguyên là trung tâm điểm đến của cuộc rút lui chiến lược, nơi sẽ là khởi nguồn của chiến thắng Điện Biên 9 năm sau...

Chúng ta đều đã biết: Giành được chính quyền tháng Tám -1945, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng một đất nước công nông, dân chủ trong muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên lượng: Pháp chưa từ bỏ Việt Nam. Đúng thế, vừa ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946), Pháp bội ước ngay bằng các hoạt động khiêu khích, xâm lược, khủng bố. Chúng ta phải cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập và thành quả của Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội đã có 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để lại cho lịch sử nước nhà thời gian cuối năm 1946, đầu năm 1947 những trang oanh liệt và bi tráng… Bởi vì, trong điều kiện so sánh lực lượng ta và địch rất chênh lệch, chúng ta buộc phải kháng chiến lâu dài.

Với tầm nhìn sâu rộng, Hồ Chủ tịch ngay sau ngày giành độc lập đã nhận định:Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Trung ương Đảng được Hồ Chủ tịch giao ở lại Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức tiễu phỉ, trừ gian, phát triển dân quân tự vệ... xây dựng, củng cố Khu giải phóng... Ngày 23/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Ban căn cứ địa Việt Bắc” thuộc Phủ Chủ tịch và sau đó ngày 16/10/1945, Người chỉ thị thành lập các chiến khu ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, cả nước hình thành 12 khu hành chính quân sự.

Đến cuối năm 1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Đảng và Hồ Chủ tịch giao lên Việt Bắc tiếp tục chuẩn bị căn cứ địa Việt Bắc, vận chuyển tích trữ vật chất 20.000 tấn (muối, gạo, vải, tiền...). Đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng được Trung ương phân công phụ trách “Công tác đội”, trực tiếp xây dựng cơ sở quần chúng, căn cứ địa, chuẩn bị đường di chuyển... Vùng Chợ Đồn (Bắc Kạn), Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai (Thái Nguyên) được chọn làm An toàn khu (ATK).

Bộ đội chủ lực vượt núi, băng rừng khép chặt vòng vây quân thù. Ảnh tư liệu

Sau một thời gian chuẩn bị, từ tháng 3-1946, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan, công sở, nhà máy, trang thiết bị, vật chất, cơ sở hậu cần... được di chuyển dần ra khỏi thành phố, thị xã về nông thôn, miền núi, nơi an toàn; vừa di chuyển, vừa phục vụ chiến đấu. Khi chiến tranh lan rộng, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân ta thực hiện vườn không nhà trống, phá hoại giao thông, chiến đấu ngăn chặn bước tiến của địch. Đồng thời, tổ chức cuộc tổng di chuyển cơ quan Trung ương, các cơ sở kinh tế, vật tư thiết yếu lên căn cứ địa Việt Bắc và đến tháng 4-1947, ta cơ bản hoàn thành cuộc tổng di chuyển này. Đã có 20.400 tấn muối, 2,5 triệu mét vải, hàng ngàn tấn gạo... hơn 42.000 tấn vật tư, máy móc thiết bị quân giới được vận chuyển lên Việt Bắc. Đây là cơ sở quý giá để xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng cho kháng chiến lâu dài...

Cuối năm 1946, một mặt chỉ đạo Thị xã Thái Nguyên triệt để tiêu thổ kháng chiến, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thành lập các đội công tác về các huyện cùng với các đội công tác của Trung ương củng cố hệ thống chính trị, làm sạch địa bàn, trong đó các xã: Bảo Linh, Trung Lương, Điềm Mặc, Phú Đình, Định Biên của huyện Định Hóa; Liên Minh, La Hiên, Tràng Xá của huyện Võ Nhai; Yên Lãng, Phú Xuyên, Mỹ Yên, Khôi Kỳ... của huyện Đại Từ được đặc biệt quan tâm. Từ cuối năm 1946, hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, muối, vải, vũ khí được chuyển lên Thái Nguyên và nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đến tháng 3-1947, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành đã lên Việt Bắc an toàn. Tháng 4-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Thường Trực Quốc hội, Bộ Tổng chỉ huy đã đến ATK Định Hóa...

Những năm tháng chiến đấu và xây dựng hào hùng ấy được ghi lại trong tài liệu viết tay, đó là cuốn sổ ghi cảm tưởng của cán bộ, bộ đội khi đến Thái Nguyên. Xin trích đăng hai trong số hàng trăm cảm tưởng: Bên đống gạch vụn của Thị xã Thái Nguyên vừa tiêu thổ kháng chiến, tôi muốn ghi sức mạnh vô cùng của dân tộc. Dưới những mái gianh, chợ họp về đêm, bao nhiêu ngọn đèn là ngần ấy ngôi sao vàng. Sức sống chiến khu thầm kín, sôi nổi, đơn sơ mà không kém huy hoàng... (Hoàng Cầm). Ủy ban Hành chính Thái Nguyên có nhiệm vụ rất nặng nề, làm sao cho xứng đáng với vai trò Đội du kích canh gác cửa ngõ Việt Bắc và một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi... (Trường - Chinh).

Từ tháng 5-1947, Đại bản doanh của Nhà nước non trẻ và vị Chủ tịch nước vĩ đại Hồ Chí Minh đóng ở Thái Nguyên, Việt Bắc. Câu thơ:”Ở đâu u ám quân thù/Trông về Việt Bắc cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” đã nói lên tất cả.

(Còn nữa)