Thái Nguyên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (2)

TNĐT 15:16, 08/04/2024

Thực hiện thí điểm cải cách ruộng đất

Nhằm đẩy mạnh kháng chiến, Đảng ta chủ chương tiếp tục thực hiện cải cách dân chủ bằng cuộc phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, cải cách ruộng đất. Tháng 12-1953, đầu tháng, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; cuối tháng, Trung ương Đảng quyết định chọn 6 xã: Hùng Sơn, An Mỹ nay là Mỹ Yên; Bình Thuận, Trần Phú nay là Khôi Kỳ; Tân Thái, Độc Lập nay là Tiên Hội, thuộc huyện Đại Từ làm thí điểm cải cách ruộng đất theo Sắc lệnh ngày 12/4/1953 về chính sách ruộng đất và luật tháng 12-1953 về cải cách ruộng đất do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Cuộc thí điểm này là sự thể nghiệm chủ trương, chính sách ruộng đất của Đảng, thông qua đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện cuộc cách mạng ruộng đất trên cả nước nên có ý nghĩa rất quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sau 3 tháng tiến hành thí điểm cải cách ruộng đất, đến ngày 10/3/1953, toàn bộ 97 địa chủ ở 6 xã trên của huyện Đại Từ hoàn toàn bị đánh đổ. Ta đã thu của địa chủ 2.610 mẫu ruộng, 352 con trâu bò, 1.062 nông cụ sản xuất, 33 ngôi nhà và 2.479kg thóc để chia cho nông dân không có ruộng, ít ruộng hoặc nông dân nghèo.

Cùng thời gian thí điểm cải cách ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên đã mở 13 lớp học tập chính sách về cải cách ruộng đất cho 556 cán bộ tỉnh, huyện, 447 cán bộ xã và 1.685 nông dân cốt cán. Ngày 25/4/1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp kết thúc thắng lợi, Thái Nguyên đã tập trung 200 cán bộ đi làm công tác cải cách đợt I ở 47 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên.

Được Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách ruộng đất đợt I ở 47 xã thuộc huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên đã thu được nhiều kết quả: Hơn 24.000 mẫu ruộng, 24.000 con trâu bò, 798 ngôi nhà, trên 139 tấn thóc của địa chủ đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua chia cho 868 hộ nông dân nghèo; các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được củng cố, chấn chỉnh; uy thế chính trị và quyền làm chủ nông thôn của nông dân được xác lập.

Thắng lợi của đợt thí điểm cải cách ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ, đặc biệt là những thắng lợi của cuộc cải cách đợt I ở Thái Nguyên đã nhanh chóng vang dội khắp nơi, góp phần cổ vũ phong trào nông dân cả nước hăng hái lao động sản xuất, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến; cổ vũ cán bộ chiến sĩ và các lực lượng vũ trang ở mặt trận Điện Biên hăng hái tiến lên tiêu diệt giặc; góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên một Điện Biên lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Góp phần chi viện cho mặt trận

Là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến của cả nước, nên Thái Nguyên luôn là mục tiêu tấn công, phá hoại của thực dân Pháp. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đông về số lượng, nâng cao về chất lượng, đủ sức bảo vệ ATK kháng chiến của Trung ương luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm 1953, chỉ tính riêng 53 xã trong tổng số 81 xã của tỉnh đã kết nạp thêm 1.257 dân quân du kích.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân du kích, ngày 7/12/1953, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên ra chỉ thị cho các cấp ủy đảng trong tỉnh khẩn trương đưa đảng viên vào dân quân du kích, đưa cấp ủy viên vào các ban chỉ huy xã đội, ban chỉ huy tự vệ.

Đầu năm 1954, Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương phải đảm bảo bổ sung quân số cho bộ đội chủ lực đủ chỉ tiêu trên giao; kiện toàn đủ quân số bộ đội địa phương và dân quân du kích; đào tạo đủ cán bộ tiểu đội cho bộ đội địa phương bằng cán bộ xã đội, cán bộ chỉ huy dân quân, du kích, chấn chỉnh du kích ở các xã dọc tuyến giao thông quan trọng các xã giáp ranh vùng tạm chiếm, những nơi hẻo lánh. Giáo dục, dìu dắt dân quân du kích ở những nơi cải cách ruộng đất. Ban chỉ huy tỉnh đội cử một số cán bộ đi xuống cơ sở xây dựng về chính trị và quân sự ở những nơi trọng điểm và tranh thủ rèn cán bộ, luyện quân cho các đơn vị.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Thái Nguyên đã mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ huy cho cán bộ chỉ huy xã đội, trung đội, đại đội dân quân du kích, chỉ đạo các huyện bổ sung hoàn chỉnh phương án tác chiến, đề phòng địch tấn công; kiện toàn quân số các đại đội bộ đội địa phương. Toàn tỉnh có 507 thanh niên nhập ngũ.

Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang và nhân dân Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK Trung ương Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến của cả nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; bổ sung kịp thời và đầy đủ sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên.

70 năm đã trôi qua, những gì mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên lịch sử vẫn còn nguyên giá trị và mãi là ký ức không thể nào quên.

Những kinh nghiệm của ATK Thái Nguyên chi viện cho chiến trường Điện Biên năm xưa đã được quân và dân Thái Nguyên kế thừa, nâng cao hơn nữa trong những năm cả nước chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.