Thái Nguyên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

TNĐT 09:16, 06/04/2024

Ngày 6/12/1953, Tại ATK Thái Nguyên, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà về cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, quân dân Thái Nguyên cùng với quân dân vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã tập trung mọi sức lực và của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhìn trên bản đồ, Điện Biên Phủ là một thung lũng nằm cách ATK Thái Nguyên chừng 500km. Trên địa bàn Thái Nguyên, Quốc lộ 3 và tỉnh lộ 13 là hai tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng để vận chuyển lực lượng, lương thực thực phẩm và vũ khí lên mặt trận Điện Biên.

Trước đó, để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc… Thái Nguyên đã huy động 22.400 dân công đi sửa chữa cầu đường và vận tải hàng hóa phục vụ các chiến dịch, vượt chỉ tiêu trên giao 1.600 người. Mặc dù đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn, nhiều ngày không có cơm phải ăn sắn, ăn cháo nhưng chị em dân công xã Túc Duyên thuộc huyện Đồng Hỷ, nay là phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) làm việc trên công trường sửa chữa đường 13A ở Đèo Khế (Đại Từ) vẫn làm vượt chỉ tiêu năng suất lao động, hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn.

Nhằm ngăn chặn công tác vận chuyển vũ khí lương thực của ta từ căn cứ địa Việt Bắc ra mặt trận, năm 1953, giặc Pháp tập trung máy bay và bom đạn bắn phá rất ác liệt hệ thống giao thông nằm trên địa bàn Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Tại Thái Nguyên, chỉ tính riêng bến phà Huy Ngạc (Đại Từ), Thác Oánh, Minh Lý, Trại Cài (Đồng Hỷ), máy bay địch đã ném bom, bắn phá làm đắm 7 phà.

Trước tình hình  đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra chủ trương lãnh đạo chú trọng sửa chữa mặt đường đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, đúng thời hạn đã định. Tháng 2-1953, Tỉnh ủy mở hội nghị quán triệt tình hình nhiệm vụ bảo đảm bảo giao thông cho lãnh đạo các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - hành chính tỉnh và lãnh đạo các ngành Quân sự, Công an, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và các đồng chí huyện ủy viên phụ trách giao thông vận tải các huyện. Tỉnh ủy kiện toàn Ban chỉ huy công trường sửa chữa giao thông tỉnh do đồng chí Nguyễn Trọng Duệ, Trưởng ty Giao thông làm Trưởng ban.

Tháng 4-1953, Tỉnh ủy quyết định thành lập ban bảo vệ cầu, đường cấp tỉnh, huyện và các xã dọc các tuyến giao thông, làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ các trọng điểm giao thông và nơi xung yếu. Ban chỉ huy Tỉnh đội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tổ tuần tra các trạm kiểm soát giao thông dọc Quốc lộ 3 từ Chợ Mới về Bờ Đậu và dọc đường 13A từ Bờ Đậu đến đèo Khế.

Để có lực lượng cơ động, đảm bảo giao thông vận tải ở những nơi trọng điểm, xung yếu khi bị địch bắn phá, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức thành lập 2 đội thanh niên xung phong chủ lực cầu đường. Tuy mới thành lập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo 85% quân số làm việc ngoài mặt đường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo giao thông vận tải kịp thời, thông suốt ở những nơi xung yếu

Để đảm bao giao thông vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, đầu năm 1954 ,Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tập trung cán bộ các ngành Thanh niên, Nông hội và Ban Kiểm tra Tỉnh ủy xuống giúp các huyện huy động 2 đợt được 9.559 dân công đi lấp hố bom, sửa chữa cầu đường các tuyến Quốc lộ 1B và tỉnh lộ 13A.

Toàn tỉnh thành lập 115 tổ bảo vệ với trên 1.900 tổ viên làm nhiệm vụ bảo vệ những đoạn đường xung yếu nhất trên các tuyến giao thông quan trọng. Khi máy bay bị địch bắn phá, cầu đường bị hỏng các tổ bảo vệ đã kịp thời sửa chữa đảm bảo giao thông vận tải thông suốt.

Trong rầm rập những đoàn dân công gồng gánh, những đoàn xe thồ nặng hàng hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối đến Điện Biên Phủ, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có hàng nghìn lá thư của những người bố, người mẹ, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong tỉnh gửi cho các chiến sĩ dũng cảm xông lên giết giặc.

Các đoàn dân công Thái Nguyên đã bắc một nhịp cầu tình cảm to lớn nối liền hậu phương ATK Thái Nguyên với tiền tuyến Điện Biên. Nhịp cầu đó đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.