Thất trận Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Giơ-Ne-Vơ. Từ chiến trường Tây bắc, cán bộ, bộ đội trở về chiến khu xúc tiến các công việc thời hậu chiến. Trước mắt là việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay Pháp. Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ còn tiếp tục ở lại Thái Nguyên làm những công việc không kém phần khó khăn được xác định sau đường tới Điện Biên là đường về Thủ đô.
Với núi rừng Việt Bắc, Thái Nguyên, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo có cả thảy 15 năm ở và làm việc: Trước Cách mạng Tháng Tám từ năm 1941 đến 1945; trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 đến 1954. Mảnh đất này ghi đậm dấu chân của các vị. Tôi - người viết loạt bài báo này thấy cần viết thêm về những ngày hòa bình đầu tiên của 70 năm trước.
Một sáng cuối tháng 3-2024, bầu trời thăm thẳm xanh, nắng vàng rực rỡ, chúng tôi chọn một trong những nẻo đường về chiến khu xưa; về với những giá trị truyền thống - Quốc lộ 37, có điểm khởi đầu từ dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng chạy qua TP. Thái Nguyên, xuyên qua huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên rồi vươn tiếp qua Đèo Khế, đèo Kháng Nhật, kè Ba Hai, qua huyện Sơn Dương, TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), rồi rẽ trái qua bến phà Bình Ca xưa, men theo bờ dòng Lô oai hùng một thủa... Rồi theo Quốc lộ 2, qua ngã ba Đoan Hùng về đất Phong Châu (Phú Thọ), nơi có ngọn Nghĩa Lĩnh cao vời mà trên núi là nơi thờ tự các Vua Hùng, Tổ tông dân Việt...
Chúng tôi đi như vậy để ghi chép lại, để một lần nữa giới thiệu về con đường kháng chiến mà trong đó có ngày 18 và 19 tháng 9 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc của xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường - nay là xã Bản Ngoại (Đại Từ), nơi đặt “Phủ Chủ tịch” từ tháng 8 cho đến hết tháng 10-1954, về Đền Hùng đất Tổ chiêm bái, cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi ngoại bang vang dội tại Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến sau 9 năm xa cách...
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến từ Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn)... ATK Định Hóa (Thái Nguyên) chuyển dần về ATK Đại Từ cùng tỉnh Thái Nguyên tổ chức các công việc chuẩn bị cho ngày về tiếp quản Thủ đô. Đại Từ là vùng an toàn, là nơi hội tụ nhiều thế mạnh, là nơi đi về của các đoàn quân, cơ quan của ta trong kháng chiến…
Anh Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, có lần nói với tôi: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ATK Đại Từ là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đóng đại bản doanh mấy tháng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mấy tháng nhưng đã triển khai nhiều việc hệ trọng, quyết sách lớn trong đối ngoại, đối nội của ta. Nhất là những sự kiện có một không hai với một nhà nước như tiếp các đại sứ lên chiến khu trình Quốc thư.
Hôm nay trở lại, Di tích lịch sử ngọn đồi Thành Trúc, xóm nhỏ Đầm Mua, Vai Cày… mặc dù được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2006 nhưng việc đầu tư cho quần thể quan trọng này còn rất đỗi khiêm tốn, sơ sài… Ngoài bia di tích ghi đầy đủ vị trí, dấu ấn lịch sử; nền ngôi nhà Bác Hồ ở tại đồi Thành Trúc vẫn đó, trong sự chờ đợi được đầu tư để xứng với tầm vóc cũng như sự trân trọng của hậu thế với lãnh tụ, với lịch sử.
Hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký ngày 21/7/1954. Ngay sau đó, Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến (một trong 8 người Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) chỉ huy đã về xã Hùng Cường, một nơi đất rộng, người thưa, có truyền thống yêu nước, dưới chân sườn Đông dãy Tam Đảo, xây dựng gấp một quần thể lán trại gồm: Khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; Cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc, cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến tập kết về Đại Từ, thực hiện các công việc chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô.
Nơi Bác Hồ ở và làm việc nằm trên đồi Thành Trúc, thuộc xóm Đầm Mua, cơ quan Chính phủ bên xóm Vai Cày; Cơ quan ngoại giao tại đồi Giang… Mà không chỉ mấy xóm của xã Hùng Cường này, hầu hết các xã của Đại Từ năm đó đều là nơi tập kết… đủ thấy niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ, lãnh đạo đối với nhân dân và cán bộ ATK Đại Từ khi ấy.
Khi đi tìm hiểu để viết bài ký này, tôi may mắn gặp hai người cao tuổi, đều trên dưới chín mươi. Đó là cựu chiến binh chống Pháp, ông Nguyễn Ngọc Tăng, và ông Trần Nhân, một nông dân sinh ra và lớn lên ở Đại Từ. Ông Tăng hiện là Trưởng Ban liên lạc Đại đoàn Quân tiên phong (308) của tỉnh Thái Nguyên, là người chứng kiến và hiểu biết kỹ càng những sự kiện cuối năm 1954 đáng nhớ ấy. Ông Tăng ra quân, làm đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Thái rồi nghỉ hưu. Riêng công tác cựu chiến binh thì dù năm nay đã 90 tuổi, ông vẫn hăng hái.
Ông Tăng kể: Đại đoàn 308 đánh Điện Biên Phủ xong rút về Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang tham gia các việc hệ trọng của cách mạng; được học tập, tập huấn rồi tham gia tiếp quản Thủ đô, cải cách ruông đất… Sách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chép rằng: Sau buổi nói chuyện lịch sử tại Đền Hùng ngày 19/9/1954, Bác lại về sống tại căn nhà sàn đơn sơ tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua… Ngày 20-9, Bác tiếp đoàn giáo phái miền Nam ra thăm miền Bắc, thăm Trường tập huấn cải cách ruộng đất nằm xã bên; thăm Trung đoàn 600 vừa thành lập có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Trung ương sau ngày tiếp quản Thủ đô… Cũng tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Rô-man Các-men nổi tiếng, có nhiều cảm tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta.
Ngày 10/10/1954, từ nơi làm việc - xóm nhỏ Vai Cày, ATK Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng: …"Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui mừng khôn xiết kể!..”, "Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta”…. Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ đơn sơ trên đồi Thành Trúc trở về Thủ đô Hà Nội.
Đi đầu trong cải cách ruộng đất, trong tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, cây công nghiệp, trong luyện kim, trong đào tạo… Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã góp sức để kháng chiến thành công, công cuộc kiến quốc giành nhiều thắng lợi vẻ vang.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin