Thời khắc của một quyết định lịch sử

PGS.TS Đỗ Hồng Thái Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên 16:49, 22/04/2024

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954) là một trong những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Với chiến thắng đó, vị thế của Việt Nam một lần nữa được khẳng định trên trường quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, một nước tuy không rộng, người không đông, quân đội còn non trẻ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một nước thực dân, được một đế quốc sừng sỏ hậu thuẫn. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về các yếu tố dẫn tới thành công của chiến dịch này, nhưng thời khắc của một quyết định lịch sử thay đổi kế hoạch tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Chỉ huy chiến dịch vẫn là đề tài còn nguyên tính thời sự.

Đồi D1 - ngọn đồi cao nhất tại phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hiện nay, đỉnh đồi D1 được chọn để đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ).
Đồi D1 - ngọn đồi cao nhất tại phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hiện nay, đỉnh đồi D1 được chọn để đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ).

Tháng 5 - 1953, sau khi nhậm chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Nava đưa ra kế hoạch xây dựng lực lượng cơ động mạnh, mở các cuộc tấn công quân sự nhằm giành thắng lợi lớn để buộc ta phải điều đình theo những điều kiện có lợi mà chúng đặt ra. Trước âm mưu và hành động phiêu lưu quân sự của địch, cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Hội nghị Bộ Chính trị đã họp bàn chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954, quyết định đưa bộ đội chủ lực lên chiến trường Tây Bắc và đẩy mạnh tác chiến vùng sau lưng địch. Chủ trì hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo ra sức mạnh…Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Phương châm tác chiến được xác định “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Phương hướng chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953-1954 được xác định là: “Tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán lực lượng mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”.

Phát hiện ra hướng tấn công của chủ lực ta lên Lai Châu, từ 20 đến 22/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tổng Quân uỷ nhận định “ Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta, tình hình căn bản có lợi cho ta”. Trong phiên họp ngày 6/12/1953 của Bộ Chính trị tại Tỉn Keo, Tổng Quân uỷ đã trình kế hoạch đánh Điện Biên Phủ theo tinh thần “ đánh chắc, tiến chắc”. Trận đánh có thể khởi đầu vào tháng 2-1954, “Đây sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay”. Bộ Chính trị thông qua kế hoạch và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, nhưng còn tuỳ tình hình thay đổi, cũng có thể rút ngắn hơn”. Cuối tháng 12-1954, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Sau đó, ngày 01/01/1954, Bộ Chính trị đã chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ chức vụ Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình.

Kế hoạch tác chiến Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi theo diễn biến thực tế của chiến trường. Ngày 14/1/1954, tại Hội nghị phổ biến mệnh lệnh chiến đấu mặt trận Điện Biên (tại hang Thẩm Púa, Tuần Giáo) “dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm”. Kế hoạch này dựa trên nhận định, địch mới chiếm Điện Biên Phủ chưa có điều kiện củng cố vững chắc hệ thống công sự phòng thủ, nên ta phải chớp cơ hội đánh nhanh, thắng nhanh. Nếu để lâu, địch sẽ xây dựng hệ thống cứ điểm phòng ngự kiên cố ta sẽ khó công phá. Kế hoạch tấn công dự định vào ngày 20/1/1954. Tuy nhiên, những ngày sau đó công tác trinh sát, kiểm tra cẩn trọng cho thấy, Điện Biên Phủ được Pháp tập trung xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương gồm 49 cứ điểm, 3 phân khu, 2 sân bay và hệ thống công sự dày đặc có trận địa mìn và hàng rào dây thép gai bảo vệ. Trong khi đó việc chuẩn bị lực lượng và phương án tác chiến của ta đang gặp những khó khăn cần phải kịp thời giải quyết.

Thứ nhất, lực lượng chủ lực của ta mới tác chiến và tiêu diệt sinh lực địch ở cấp tiểu đoàn tăng cường, có công sự vững chắc (như Nghĩa Lộ), nhưng cũng có trận tấn công ở công sự dã chiến trong tập đoàn cứ điểm (như ở Nà Sản) chưa thành công.

Thứ hai, do địa hình hết sức phức tạp, một số pháo binh của chúng ta chưa kịp tập kết như kế hoạch, trận địa pháo dã chiến được xây dựng trên địa hình trống trải, rất khó tránh máy bay đánh phá hoặc địch phản pháo. Chúng ta chưa có kinh nghiệp hợp đồng binh chủng giữa các đơn vị pháo và bộ binh.

Thứ ba, chủ lực ta trước nay chiến đấu vào ban đêm trên những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm công kiên chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Trước tình hình như vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi cuộc tấn công lại sau 5 ngày (17 giờ ngày 25/1/1954). Cận ngày nổ súng, một chiến sĩ trinh sát của ta bị địch bắt, bộ phận thông tin phát hiện địch thông báo cho nhau qua điện đài về kế hoạch tấn công của ta. Tình huống cấp bách ngoài dự kiến, buộc Bộ Chỉ huy một lần nữa lùi thời gian nổ súng sau 24 tiếng để tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình. Chiến trận xuất hiện những tình huống rất phức tạp, Đại tướng đã trao đổi, bàn bạc thấu đáo với đoàn chuyên gia quân sự nước bạn.

Trước giờ nổ súng, sáng ngày 26/1/1954, cuộc họp của Đảng uỷ Mặt trận Điện Biện Phủ được triệu tập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đảng uỷ, Ban Chỉ huy chiến dịch phân tích, đánh giá tình hình, thảo luận dân chủ để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong thời khắc cam go ấy, Đại tướng luôn nghĩ tới lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đại tướng đến chào Người để lên đường ra mặt trận (05/1/1954): “Tổng tư lệnh ra mặt trận Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau… Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Nhớ lại buổi Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng ngày 28/5/1948, tại Phú Đình, Định Hoá, lời nhắc nhở ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại tướng ghi tạc và nhủ mình như đón nhận mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc: “Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất”… “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”. Trước ý chí thống nhất của tập thể Đảng uỷ mặt trận, Đại tướng đã quyết định hoãn cuộc tấn công, chuyển kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “ đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng từng nói đây là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.

Ngay sau đó, để đảm bảo an toàn bí mật tuyệt đối, Đại tướng không sử dụng điện đài để liên lạc mà cử cán bộ tác chiến trực tiếp chuyển công văn hoả tốc về báo cáo Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Hoàng Văn Thái sau này nhớ lại: “Đồng chí Giáp viết thư báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị nghị quyết của Đảng uỷ mặt trận về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ, đề đạt chủ trương quân sự và phương hướng hoạt động của ta trên các chiến trường phối hợp trong toàn quân để xin được Bộ Chính trị phê duyệt. Mấy ngày sau Đảng uỷ nhận được điện trả lời của Bộ Chính trị nhất trí phê duyệt chủ trương tác chiến mới của Đảng uỷ mặt trận”.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Đồng thời với việc báo cáo Bộ Chính trị và Bác đang ở ATK Trung ương, Đại tướng ra lệnh cho đồng chí Chính uỷ pháo binh Phạm Ngọc Mậu: “Ngay từ tối nay bắt đầu kéo pháo ra khỏi mặt trận lâm thời đến vị trí an toàn. Mệnh lệnh này yêu cầu được chấp hành triệt để. Nhiệm vụ chuyển pháo ra như mệnh lệnh chiến đấu”. Để tiến hành nghi binh địch, Đại tướng đã ra lệnh cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 bí mật đưa quân sang đánh địch ở Thượng Lào và chỉ thị một bộ phận nhỏ lực lượng thông tin tiến xuôi hướng Mộc Châu, thỉnh thoảng đánh điện “Đại đoàn 308 đã về tới…” khiến địch lầm tưởng lực lượng chủ lực của ta đang rút về đồng bằng. Sau này, Nava tiết lộ, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp phát hiện Đại đoàn 308 mà họ gọi là “sư đoàn thép” rút khỏi Điện Biên Phủ và cho rằng chúng ta bỏ cuộc. Đơ-Cat-xtơ-ri, Chỉ huy quân Pháp ở mặt trận Điện Biên Phủ đã cho rải truyền đơn thách thức Bộ Chỉ huy quân đội ta tiến công Điện Biên Phủ: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tin Ngài mang nhiều sư đoàn lên đây để giao chiến và định đem quân vào ăn Tết ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp Ngài”.

Như vậy từ việc phân tích cách bố phòng ngự của quân Pháp, so sánh tương quan lực lượng, vật chất kỹ thuật, trình độ và kinh nghiệm tác chiến, Bộ Chỉ huy mặt trận đã quyết định chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là cách đánh phù hợp nhất với ta về trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến để phát huy sức mạnh của vũ khí, khí tài, sức chiến đấu của các đơn vị bộ binh và binh chủng kỹ thuật. Với cách đánh đó quân ta sẽ triệt phá từng cứ điểm phòng thủ, bao vây chia cắt, tiêu hao sinh lực địch, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện đẩy chúng lâm vào thế cô lập, bị động đối phó, mệt mỏi và hoang mang.

Thực hiện kế hoạch đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra qua 3 đợt tấn công. Ở mỗi đợt, phương châm “đánh chắc, tiến chắc” được quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt để hoàn thành từng mục tiêu của trận đánh, từng bước của chiến dịch.  

Như vậy, trong bối cảnh đầy thử thách gian nguy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định đúng đắn và khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Thực tiễn khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vượt xa những dự liệu của ta ban đầu. Điều đó càng khẳng định nhãn quan chính trị sâu sắc, trình độ và bản lĩnh thao lược quân sự tài ba của Đại tướng. Chuyển từ kế hoạch tấn công trong 2 ngày 3 đêm, thành cuộc chiến trải dài 56 ngày đêm đầy hy sinh gian khổ, quân dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thời khắc nghiệt ngã đã đem tới một quyết định lịch sử để có một chiến công vang dội của của thế kỉ XX. Ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ còn nguyên tính thời sự cho những quyết định liên quan đến công cuộc xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.