Đổi thay ở Mường Nhé

X.H 17:13, 15/04/2024

Là huyện cực Tây của Tổ quốc, nơi có ngã ba biên giới A Pa Chải được ví "tiếng gà gáy ba nước cùng nghe", Mường Nhé (Điện Biên) đang thay đổi diện mạo từng ngày nhờ nhận được sự quan tâm của cả nước và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Đường từ huyện Mường Chà đến trung tâm huyện Mường Nhé.

Đường lên A Pa Chải

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi được các đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ đưa đi thăm Mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (gọi tắt là Mốc ngã ba biên giới), thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách TP. Ðiện Biên Phủ hơn 260km về phía Tây.

Để trấn an chúng tôi trên cung đường đèo đốc của miền đất cực Tây của tỉnh, Anh Phạm Ngọc Hân, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ cho biết: Mường Nhé là một trong 61 huyện nghèo nhất nước được Nhà nước hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Trước đây, để đi tới địa danh "con gà gáy ba nước cùng nghe" phải mất nhiều ngày di chuyển từ TP. Điện Biên Phủ, vượt qua hàng trăm km dọc tỉnh lộ 151. Nhưng khoảng cách xa xôi ấy giờ đã được rút ngắn rất nhiều nhờ sự đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng, cải thiện giao thông.

Sau nhiều giờ di chuyển bằng ô tô, đoàn chúng tôi cũng tới Ðồn Biên phòng A Pa Chải. Đưa chúng tôi lên thăm Mốc ngã ba biên giới, Trung tá Đoàn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải chia sẻ: Mốc ngã ba biên giới cách Đồn Biên phòng gần 20km. Những năm trước, để đi đến mốc thì khá vất vả, do chưa có con đường đảm bảo nên du khách phải cuốc bộ từ 4-5 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ðấy là vào ngày thời tiết khô ráo, nếu trời mưa thì khó mà đi được. Từ đầu năm 2018, đường đi lên Mốc ngã ba biên giới đã được tỉnh Ðiện Biên đầu tư xây dựng đường bê tông kéo dài tới sát chân mốc. Giờ đây, con đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo cho du khách đi thăm mốc ngay cả trong mùa mưa.
Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và Báo Điện Biên Phủ tại cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Lăng Khoa
Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và Báo Điện Biên Phủ tại cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Lăng Khoa

Nhờ có con đường bê tông mà sau 45 phút ngồi xe máy, đoàn chúng tôi đã tập kết sát chân mốc. Sau khi leo hơn 500 bậc thang, chúng tôi như vỡ òa niềm vui, xúc động trước không gian bao la, núi non hùng vĩ khi đứng cạnh cột mốc ba cạnh phân chia ranh giới ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Cột mốc nằm trên đỉnh núi Khoan La San, có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, thuộc xã Sín Thầu, tiếp giáp với Khu 11, huyện Yot Ou, tỉnh Phoong Sa Ly (Lào) và thị trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ðúng như cảm nhận của nhiều người đã từng trải nghiệm khi lên đến mốc, lòng lâng lâng, tự hào được đặt chân lên cực Tây Tổ quốc, cao chót vót như nóc nhà chung để phóng tầm mắt, nhìn về ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào.

Mốc ngã ba biên giới do 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc xây dựng năm 2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá hoa cương, dựng trên bệ hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5x5m. Cột mốc cao 2m với 3 mặt quay về hướng của 3 nước, trên mỗi mặt được khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ và gắn quốc huy của từng Quốc gia. Cột mốc A Pa Chải còn được gọi là mốc số 0, khởi điểm của đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Mở hướng phát triển du lịch

Là một trong những huyện miền núi biên giới nghèo nhất cả nước, tuy nhiên, Mường Nhé cũng được thiên nhiên ban tặng không ít cảnh đẹp vô cùng hấp dẫn có thể phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay. Ngoài tuyến du lịch được nhiều du khách biết đến như: Chinh phục ngã ba biên giới - Ðiểm cực Tây Tổ quốc A Pa Chải, Mường Nhé còn có các Di tích lịch sử Ðồn Pháp, bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (được công nhận vào năm 2022); Khu di tích Anh hùng Trần Văn Thọ tại bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Úy, Phó chủ tịch UBND huyện Mường nhé cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Ðảng bộ huyện Mường Nhé đã xây dựng và ban hành một số nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau nửa nhiệm kỳ, đến nay ngành kinh tế “không khói” đã dần phát triển gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Người dân bản Huổi Cọ, xã Mường Nhé tranh thủ lúc nông nhàn thêu trang phục.

Đặc biệt, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điểm đến cho du khách trong và ngoài nước, huyện Mường Nhé đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến các xã, bản như: Quốc lộ 4H, tỉnh lộ 151 và một số tuyến đường đến các điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp, thảm bê tông nhựa; xây dựng hạ tầng giao thông vào chợ phiên Nậm Pố (xã Mường Nhé). Ðến nay, huyện có 11 cơ sở lưu trú; trong đó, tại trung tâm huyện 10 cơ sở, xã Sín Thầu 1 cơ sở và 1 cơ sở đang được đầu tư xây dựng. Ðể hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điểm đến cho du khách trong và ngoài nước sau khi lối mở nâng cấp lên cửa khẩu A Pa Chải, huyện Mường Nhé cũng tích cực khảo sát, xin chủ trương đầu tư khu du lịch tại bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Cột cờ A Pa Chải (nằm trên dãy núi Khoang La San - nơi có cột mốc số 0, thuộc bản A Pa Chảỉ).

Phối cảnh Cột cờ Tổ quốc đang xây dựng trên dãy núi Khoang La San - nơi có cột mốc số 0, thuộc bản A Pa Chải.

“Theo thiết kế, cột cờ Tổ quốc có cao độ khoảng 45,19m, trong đó phần trụ bằng bê tông cốt thép cao 29,5m; phần cột cờ bằng inox cao 15,69m; kích thước lá cờ là 7,5m x 5m với diện tích 37,5m2. Từ trạm dừng nghỉ trên đường chinh phục cột mốc số 0 lên cột cờ có chiều dài khoảng 300m, được thiết kế 519 bậc với 19 chiếu nghỉ tượng trưng cho 19 dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên.”

Cùng với sự phát triển của du lịch gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, hiện nay Mốc ngã ba biên đang được Chính phủ xem xét, phê chuẩn thực hiện Chương trình mở rộng sân mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Theo đó, dự kiến điểm ngắm cảnh tại Mốc ngã ba biên có hình tròn, với diện tích 255m2, bán kính 9m; sân mốc hướng về mỗi quốc gia thể hiện bản đồ du lịch từ mốc giao điểm đến thủ đô mỗi nước và có lan can bảo vệ xung quanh được thiết kế bằng đá cẩm thạch... Như vậy, trong tương lai gần, Mốc ngã ba biên sẽ hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn niềm tự hào dân tộc khi đặt chân lên điểm cực Tây Tổ quốc.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Úy, trong thời gian tới, huyện Mường Nhé tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở tuyên truyền tới nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh, bảo tồn nét văn hóa truyền thống. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện.

Kỳ vọng sự phát triển

Nằm ở tận cùng Tây Bắc Tổ quốc, huyện Mường Nhé là “ngôi nhà chung” của 11 dân tộc thiểu số anh em. Được thành lập năm 2002, trên cơ sở tách ra từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ). Đến nay, huyện có diện tích tự nhiên trên 1.569 km2 với số dân gần 50.000 người, có gần 116km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với nước Lào và Trung Quốc.

Ngày mới thành lập, huyện Mường Nhé gặp chồng chất khó khăn. Ngoài địa hình chia cắt, nằm xa trung tâm, hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, thì kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, người dân chủ yếu là canh tác lúa nương, ngô, sắn nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 90%... Trong khi đó, công tác dân tộc tôn giáo trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp.

Cán bộ, nhân viên Khu dự trữ nhiên nhiên Mường Nhé và người dân tuần tra bảo vệ rừng.

Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã bắt tay củng cố tổ chức bộ máy chính trị từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Từ năm 2020 đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện.

Tiếp chúng tôi tại Nhà khách Huyện ủy, đồng chí Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé cho hay: Trong số các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Nhé dành nhiều tâm huyết nhất, được đầu tư nhiều kinh phí, trí tuệ và mồ hôi nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đến hết năm 2023, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu của huyện tăng từ 13-26% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành trên địa bàn đạt trên 1.618 tỷ đồng (tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 47,3% (giảm 7,47% so với năm 2022); độ che phủ rừng được nâng lên trên 55%.

Vụ thu đông năm 2023, toàn huyện trồng 90 ha ngô, sản lượng đạt 162 tấn. Trong ảnh: Người dân bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (Mường Nhé) thu hoạch ngô.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế được giao năm 2024. Cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn huyện theo giá hiện hành đạt gần 359 tỷ đồng, tăng 5,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực công nghiệp xây dựng đạt trên 132 tỷ đồng đồng, tăng 11,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo định hướng giảm dần ở khu vực vực nông, lâm nghiệp, tăng dần ở khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Đến nay, khu vực vực nông lâm nghiệp chỉ chiếm 25,46% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Trải qua hơn 20 năm chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng quê hương của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân các dân tộc trong huyện, Mường Nhé hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; nhiều tuyến đường được xây dựng, nâng cấp hoặc nối dài; hệ thống các công sở ở trung tâm huyện, xã cũng như mạng lưới các công trình điện, đường, trường, trạm, công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây mới trên khắp vùng đất phên giậu của Tổ quốc.