Về lại Mường Thanh

Bảo Trân 16:07, 15/04/2024

Sao cứ nhớ 
Một Điện Biên máu lửa
Mà vô tình trước bát ngát màu xanh?
Tháng Năm, về Điện Biên lịch sử
Chợt ngỡ ngàng trước xanh thắm Mường Thanh.

(Trích trong bài: Xanh thẳm Mường Thanh - tác giả Lê Anh Phong)

Trên cánh đồng Mường Thanh hôm nay nắng vàng như sóng biển dâng đầy lòng chảo Điện Biên, một mùa vàng ngút ngát đón chờ phía trước. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách...

Xứ “Nhất Thanh”...

Người Thái ví Mường Thanh là “Xứ trời”; có câu ngạn ngữ: “Nhất Thanh (Điện Biên) - Nhì Lò (Yên Bái) - Tam Than (Lai Châu) - Từ Tấc (Sơn La)”. Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy thóc lúa. “Xứ trời” đã gieo lên cánh đồng Mường Thanh những hạt gạo trắng dẻo thơm.

Đồng bào người Thái lưu truyền: Ngày xửa ngày xưa có một người khổng lồ tên Ải Lậc Cậc. Ông dùng sức khỏe phi thường của mình để khai sơn phá thạch làm nên núi đồi, ruộng đồng, sông suối vùng Tây Bắc. Luống cày của ông đã làm nên sông Ðà, sông Hồng, còn các mô đất từ luống cày chưa kịp bừa thì làm nên các dãy núi bao quanh. Cánh đồng Mường Thanh là mảnh ruộng mà Ải Lậc Cậc san gạt, cày bừa cũng từ đó mà thành. Câu chuyện về người khổng lồ được đồng bào Thái Điện Biên truyền từ đời này sang đời khác với tấm lòng trân trọng, biết ơn.

Cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa lớn nhất Tây Bắc.

“Nhất Thanh” có diện tích hơn 140km2, trải dài hơn 20km với chiều rộng trung bình 6 km và nằm ở độ cao hơn 400m so với mặt nước biển. Ít nơi nào như TP. Điện Biên Phủ có trọn một con sông của riêng mình. Đó là dòng sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pù Huổi Luông thuộc xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ). Núi có độ cao tới 2.000m nên nguồn nước chảy mạnh suốt chiều dài 35km quanh thành phố rồi mới nhập sóng trôi về dòng Mê Kông (bên Lào). Chính chất đất, khí núi, hương rừng Mường Thanh và nước dòng Nậm Rốm đã chắt chiu tinh chất để cây lúa vụ nào cũng trổ bông trĩu hạt. Nhất là từ khi công trình đại thủy nông Nậm Rốm được xây dựng từ năm 1963, cánh đồng Mường Thanh càng trú phú...

Ghi dấu chứng tích lịch sử 

Trên cánh đồng Mường Thanh, những di tích như: Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2, D1, Sân bay Mường thanh, cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Hồng Cúm... lần lượt hiện ra. Có lẽ không ở nơi đâu, một cánh đồng lại ấp ôm trong lòng nhiều di tích lịch sử đến vậy.

Tướng Gilles nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953. Ảnh tư liệu.

Ngày 20/11/1953, giữa lúc đồng bào còn đang vui mừng gặt hái mùa lúa tự do đầu tiên, lúa còn đánh đống ngoài đồng, thì bất ngờ từ trên trời, hàng nghìn lính Pháp nhảy dù xuống lòng chảo, tái chiếm Điện Biên. Phạm vi chiếm đóng của chúng gồm 3 xã Thanh Tiêng, Thanh Yên và Thanh Nông. Chúng đã bắt buộc phải lập nên ở đây một tập đoàn cứ điểm tập trung đông quân và phương tiện nhất. Người dân bị dồn vào ở các trại tập trung, tài sản bị vơ vét, ruộng đồng bị tàn phá, bỏ hoang. Suốt những tháng sau đó, cánh đồng Mường Thanh gồng mình hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn, mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu đào của những chiến sĩ quả cảm và đồng bào Điện Biên đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) khi ấy là Khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312, kể lại: Quân địch nhảy dù xuống đã phá hoại khắp cánh đồng, đánh bom, làm vành đai xung quanh. Người dân bị Pháp dồn bắt vào trại tập trung, cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc ngang người. Chuẩn bị mở màn Chiến dịch, các chiến sĩ ngày trú quân trong rừng, đêm bí mật đào giao thông hào trên cánh đồng để tiến gần vào cứ điểm của giặc. Trước trận đánh vào Him Lam, tôi cùng nhiều anh em hành quân vào trận địa, ẩn nấp ở giao thông hào trên cánh đồng khu vực Him Lam. Ai nấy hồi hộp chờ đến giờ khai hỏa”.

Lúa xanh rờn bên xác xe tăng

70 năm sau, trên nền cũ của bãi nhảy dù ngày ấy, giờ đây đất "cựa mình hồi sinh" mạnh mẽ, trở thành vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc – cánh đồng Mường Thanh. Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp đã được Đảng, Chính phủ bắt đầu ở Mường Thanh. Năm 1963, hơn 2.000 thanh niên xong phong từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... vượt núi, băng rừng cùng đồng bào Điện Biên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. “Trời không phụ người có công”, sau 7 năm công trình hoàn thành, từ đó diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000ha lên khoảng 4.000ha.

Cánh đồng Mường Thanh mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Hiện nay, 99% diện tích đất cánh đồng Nhất Thanh đã được sản xuất 2 vụ lúa; một phần nhỏ diện tích sản xuất được 3 vụ (bao gồm 1 vụ màu, 2 vụ lúa), năng suất lúa trung bình 63 tạ/ha, trung bình mỗi năm cánh đồng Mường Thanh cho gần 50.000 tấn thóc. Bà con nơi đây đã áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào canh tác, những giống lúa đặc sản, cho năng suất, chất lượng cao. Chị Tòng Thị Tươi (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) dừng tay nhổ cỏ trò chuyện với tôi: Gia đình tôi có 4ha đều trồng giống lúa nếp Lào và Séng cù. Lúa năm nay tốt, chắc được mùa to. Gạo này ngon lắm, hạt nhỏ, hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà.

Điểm đến thu hút du khách

Không chỉ mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon, là điểm đến của lịch sử mà hôm nay, cánh đồng Mường Thanh còn đang trở thành điểm đến thu hút khách thăm thú, trải nghiệm. Bạn Trương Khắc Lương (phường Nam Thanh, TP. Điện Biên) chia sẻ: Cùng với mùa hoa ban, cánh đồng Mường Thanh đã tạo nên một sức hút kỳ lạ cho vùng đất cực Tây của Tổ Quốc. Khi xây dựng các tour, tuyến thăm quan, trải nghiệm mình luôn gợi ý cho du khách đến với cánh đồng “nhất Thanh”. Chúng mình còn kết hợp với các hot tiktoker, facebooker nổi tiếng chụp ảnh, quay videoclip để quảng bá những hình ảnh đẹp về cánh đồng Mường Thanh đến với bạn bè gần xa. Với mình đây vừa là niềm vui, đam mê trong công việc và cũng là niềm tự hào, trách nhiệm của một người con nơi mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Bạn Trương Khắc Lương (áo đen) quay video clip quảng bá về cánh đồng Mường Thanh.

Đi qua những thăng trầm lịch, cánh đồng Mường Thanh vẫn khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn như nhắn nhủ với thế hệ hôm nay:

“Những mùa lúa đã vàng lên óng mắt.

Dưới chân rạ cày sâu còn bất chợt thấy xương người!

 Giành chiến thắng xong rồi.

Còn phải sống cho xứng tầm chiến thắng!...”



  • Dầu gội hữu cơ Purador USA nhập khẩu chính hãng