Kéo pháo vào - ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu 11:01, 15/04/2024

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, theo kế hoạch ban đầu, Đại đoàn công pháo 351 cùng một số đơn vị bộ binh đã thực hiện kéo pháo vào trận địa, khi thay đổi phương châm tác chiến, đã thực hiện kéo pháo ra, chuẩn bị lại chiến trường. Có thể nói, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, phương tiện vận chuyển thô sơ, địa hình rừng núi dốc cao, đèo sâu, bộ đội ta đã làm nên kỳ tích khi thực hiện nghiêm mệnh lệnh chiến trường.

Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương châm đánh chắc, tiến chắc. Ảnh tư liệu. 
Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ảnh tư liệu. 

Thượng tuần tháng 1-1954, Đại đoàn công pháo 351 chúng tôi hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân 500km từ hậu phương ra tiền tuyến. Vừa đặt chân đến Tuần Giáo, cán bộ đại đoàn, trung đoàn đơn vị tôi được lệnh đến hang Thẩm Púa để dự Hội nghị cán bộ do Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập.

Trong hội nghị, chúng tôi được thảo luận hai phương châm tác chiến tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ: "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" theo lối thọc sâu hay "Đánh chắc, tiến chắc" theo lối bóc vỏ. Căn cứ tình hình địch lúc bấy giờ, hội nghị nhất trí dùng cách đánh thọc sâu, cắm ngập một lưỡi dao vào tim Đờ Cát rồi xả nó ra từng mảng mà tiêu diệt. Chúng tôi có nhiệm vụ lấy sức người thay cơ giới tranh thủ đưa pháo nặng hàng tấn vượt qua núi rừng trùng điệp vào chiếm lĩnh trận địa.

Thấy được những vướng mắc, lo lắng của anh em cán bộ pháo binh nên lúc giao nhiệm vụ, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã nói: Chúng ta phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và cao xạ là những lực lượng lần đầu tiên tham chiến. Sau đó, Đại tướng và các đồng chí trong Đảng ủy chiến dịch còn tiếp xúc riêng với cán bộ công binh, pháo binh và đại đoàn bộ binh tham gia kéo pháo để giải quyết nhiều khó khăn cụ thể.

Ngay tối hôm đó, chúng tôi cho bộ đội chuyển đến vùng tập kết để cắt pháo rời xe, đưa pháo vào đường mòn. Dọc đường, thật là cảnh "Dân công như nước, Vệ quốc đoàn như nêm". Trong khí thế bừng bừng ấy, hầu như tôi quên tất cả lo lắng trong mấy ngày qua như: lo kế hoạch tác chiến, lo công tác động viên, lo chiếm lĩnh trận địa và hợp đồng tác chiến giữa bộ binh và pháo binh... Trước mắt tôi chỉ còn có một nhiệm vụ: Kéo pháo vào sao cho đúng thời gian và bảo đảm thật an toàn cả người lẫn pháo.

Do điều kiện địa hình hiểm trở, có nhiều đoạn một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực sâu, đường mở lại hẹp, nếu trượt bánh lăn xuống thì người và pháo chẳng còn cách nào cứu vãn được. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đi đến quyết định thực hiện bằng được mấy yêu cầu cụ thể: Triệt để tranh thủ thời gian kéo pháo cả ban ngày; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn cho cả người và pháo; rút kinh nghiệm hàng ngày, phát huy bàn bạc dân chủ để khắc phục mọi khó khăn; triệt để giữ bí mật, cấm đèn lửa và phải ngụy trang kín đáo đường sá, chỗ đóng quân và pháo.

…Trải qua nhiều gian nan, giờ phút chiến đấu đã sắp tới. Hai đại đội lựu pháo của chúng tôi đã vào hầm. Đài quan sát của các đơn vị đã ngự trị trên các đỉnh cao ở phía bắc Điện Biên Phủ. Phần tử đầu tiên của những "họng pháo" 105mm đã ngắm sẵn vào sở chỉ huy Đờ Cát và sân bay Mường Thanh. Trên cánh đồng Nà Hi, Bản Tố, Đại đội cao xạ 828 và đại đội cao xạ liên thanh đã thu mình “rình” sẵn trong các cụm rơm khổng lồ. Qua điện thoại với Bộ chỉ huy Mặt trận, tôi được biết xung kích của các đại đoàn bộ binh đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Họ chỉ còn chờ từng loạt đạn pháo hỏa chuẩn bị của chúng tôi vút ra khỏi nòng là họ lập tức xung phong vào đồn giặc.

Trong một hầm đạn của dân công ở phía bắc Điện Biên Phủ, Đảng ủy đại đoàn công pháo chúng tôi đã bàn xong công tác lãnh đạo chiến đấu. Chúng tôi về vị trí chỉ huy và truyền quyết tâm chiến đấu xuống các đơn vị. Bỗng chuông điện thoại réo lên đổ hồi. Tôi vội cầm lấy máy. Bên kia đầu dây có tiếng nói quen thuộc của đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:

- Có phải đồng chí Mậu không?

- Báo cáo anh, tôi Mậu đây!

- Đồng chí lấy giấy ghi mệnh lệnh!

Tôi vội giở sổ tay và bắt đầu ghi chép từng lời: “Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, mệnh lệnh: Ngay từ tối hôm nay, bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa lâm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu”.

Sáng hôm sau, Bộ chỉ huy kéo pháo chúng tôi họp các cán bộ trung đoàn để phân tích tình hình, truyền đạt tinh thần mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch và bàn công tác lãnh đạo cho các chi bộ, nhằm làm cho chi bộ, đảng viên, cán bộ thông suốt quyết tâm kéo pháo ra của trên. Sau đó, chúng tôi phân công nhau đi các nơi phổ biến. Quyết tâm của trên đã thấm đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nên họ lại bắt tay vào nhiệm vụ không quản ngại hy sinh, gian khổ. 

Khó khăn khi kéo pháo ra đâu có khác gì khi kéo pháo vào. Dốc Bảy Tời, trước đây chỉ có cuộn dây đưa pháo lên thì nay lại từ từ nhả dây dòng pháo xuống. “Vực sâu Vườn chuối” hôm nào chỉ có ghìm dây thả pháo từ từ thì nay còng lưng đẩy ngược pháo lên... Và còn một khó khăn mới là lá ngụy trang trên đường kéo pháo giờ đây đã vàng úa, quân thù đã đánh hơi thấy quân ta ngày đêm vận động trên con đường tiến tới để diệt chúng, nên phi pháo của chúng liên tục bắn phá hòng tiêu diệt bằng được vốn liếng pháo binh của ta. Nhưng mặc cho bom rơi, đạn nổ, đoàn người anh dũng vẫn bám chắc dây pháo.

Lần kéo pháo ra, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy. Ngoài việc phân công nhau thường xuyên đi kiểm tra trên đường kéo pháo, chúng tôi đã có sở chỉ huy, có điện thoại tới các đại đội để nắm tình hình từng giờ, từng phút. Các đồng chí cán bộ tham mưu, chính trị của pháo binh, bộ binh kéo pháo thường xuyên thay nhau có mặt trên các đoạn đường khó. Thời kỳ này, sáng nào chúng tôi cũng phải đi kiểm tra hết sức nghiêm ngặt công việc nguỵ trang đường kéo pháo.

Kết quả là ngoài người và pháo bảo đảm an toàn, chúng ta còn có một kết quả rực rỡ nhất, to lớn nhất là bộ binh, công binh, pháo binh lần đầu tiên hợp đồng trên một quy mô lớn, cùng chung lưng đấu cật, hoàn thành một nhiệm vụ đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang. Mối tình đoàn kết đó sẽ là cơ sở, là truyền thống vững bền của ba binh chủng sau này càng phát triển. Và do đó, khi được lệnh nổ súng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta nhất định sẽ toàn thắng.