Dồn lực cùng Văn Lăng thoát nghèo

Thu Hằng 16:33, 15/04/2024

Văn Lăng hiện là xã duy nhất của huyện Đồng Hỷ chưa đạt chuẩn nông thôn mới, với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn tới 22,84%, cận nghèo 8,09%. Trước mục tiêu đưa xã cuối cùng này về đích trong năm nay, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cũng đã và đang tập trung mọi nguồn lực để giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Văn Lăng và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Thành kiểm tra việc sử dụng vốn vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu bò của hộ bà Dương Thị Tống, từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Văn Lăng và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Thành kiểm tra việc sử dụng vốn vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu bò của hộ bà Dương Thị Tống, từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.

Văn Lăng hiện có trên 1.470 hộ, trong đó hơn 3/4 dân số là người dân tộc thiểu số (riêng người dân tộc Mông chiếm khoảng 1/3 dân số toàn xã), còn lại là các dân tộc Dao, Tày, Nùng… Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tính riêng năm 2022, xã giảm được 116 hộ nghèo (tương ứng với 8,56%); năm 2023 giảm được 188 hộ (tương ứng giảm 12,78%).

Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Đóng góp vào kết quả này, không thể không kể đến nguồn vốn của NHCSXH, đã giúp bà con có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong năm nay, để hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới, xã sẽ phải giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 13% (nghĩa là giảm hơn một nửa tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện có)... Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, rất cần sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn lực

Tính đến cuối tháng 3-2024, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Đồng Hỷ tại xã Văn Lăng đạt xấp xỉ 70 tỷ đồng, với 923 hộ đang vay, chiếm gần 63% tổng số hộ trên địa bàn xã. Các hộ vay chủ yếu để trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi trâu, bò, dê… Theo ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ: Trước mục tiêu mà huyện Đồng Hỷ đưa ra, chúng tôi đã và đang ưu tiên tập trung nguồn lực để đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân ở tất cả các chương trình. Tính riêng 3 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã giải ngân được gần 6 tỷ đồng, cho 110 hộ vay.

Nói về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Nguyễn Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn xóm Khe Hai, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ cho rằng: Nếu không có nguồn vốn này, nhiều hộ chưa thể thoát được nghèo. Cả xóm 33 hộ, thì có 22 hộ đang vay tại NHCSXH huyện, với dư nợ gần 1,6 tỷ đồng. Nếu như trước năm 2020, xóm còn hơn chục hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, thì nay còn 5 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Cũng như phần lớn các hộ dân trong xóm, với số tiền 100 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện, gia đình tôi đã đầu tư mua giống cây và thuê người trồng 4ha rừng. Với chu kỳ trồng từ 5-7 năm, trung bình 1ha rừng mang lại thu nhập từ 50-70 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, nhiều gia đình đã có điều kiện để xây, sửa nhà và mua sắm những thiết bị sinh hoạt cần thiết.

Tuy nhiên, hiện Văn Lăng vẫn còn 8 xóm đặc biệt khó khăn. Trong đó, một số xóm như Bản Tèn, Liên Phương và Văn Lăng, tỷ lệ hộ nghèo còn rất lớn, do địa hình đồi núi cao, đất sản xuất nông nghiệp không chủ động được nguồn nước tưới... Trong đó, Bản Tèn có 147 hộ thì còn tới 125 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo; Liên Phương có 207 hộ, còn 131 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo; Văn Lăng 133 hộ còn 23 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo… Đây cũng là những xóm có mức vay và tỷ lệ người dân vay vốn còn thấp còn thấp (chỉ khoảng 50% hộ dân đang vay). Do đó, theo ông Trần Nhật Linh, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung nguồn vốn, kịp thời giải ngân, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn, để người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, cận nghèo, ổn định cuộc sống và trở thành xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.