Chuyện “tự làm mới mình” của một hợp tác xã

Mai An 08:14, 13/04/2024

Được thành lập năm 2019 với định hướng chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nhưng sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trâu Vàng, ở xóm Làng Hang, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự thay đổi kịp thời, HTX không chỉ duy trì hoạt động hiệu quả mà còn mở rộng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên.

HTX nông nghiệp Trâu Vàng đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất mật ong.
HTX nông nghiệp Trâu Vàng đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất mật ong.

Anh Nông Văn Tiệp, Giám đốc HTX nông nghiệp Trâu Vàng, cho biết: Khi mới thành lập, HTX có 9 thành viên, với tổng đàn 24 con trâu, bò nuôi theo hướng vỗ béo và sinh sản. Thời điểm đó, với một con trâu, bò nuôi vỗ béo trong vòng 10-12 tháng, chúng tôi thu lãi 10-15 triệu đồng. Sang năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ít người thu mua trâu, bò, giá bán giảm mạnh. Có thời điểm mỗi con trâu, bò xuất chuồng, bà con lỗ gần 10 triệu đồng.

Để giải quyết khó khăn, từ đầu năm 2022, HTX nông nghiệp Trâu Vàng định hướng các thành viên chuyển sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Ông Lâm Văn Hương, thành viên HTX, chia sẻ: Sau hơn một năm nuôi, đàn trâu bắt đầu sinh sản. Bình quân mỗi con nghé nuôi 12 tháng bán được 15-18 triệu đồng/con, hoặc nếu chưa xuất bán luôn thì có thể nuôi vỗ béo. Sự thay đổi này đã giúp chúng tôi giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Không chỉ thay đổi trong chăn nuôi, HTX nông nghiệp Trâu Vàng còn mạnh dạn mở rộng hoạt động với dịch vụ kinh doanh vận tải (1 xe ô tô chở hàng), sản xuất bánh khẩu sli và nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ chuyển hướng kịp thời, hiện nay, HTX duy trì đàn trâu, bò trên 30 con, hơn 220 thùng ong và phát triển thêm 5 thành viên. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng.

Là một trong những hướng đi mới nhưng mật ong đang trở thành sản phẩm chủ đạo của HTX nông nghiệp Trâu Vàng. Ngược dòng thời gian, từ nhiều năm trước, ở Lâu Thượng đã có một số hộ nuôi ong quy mô nhỏ. Cũng vào thời điểm năm 2021-2022, do chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn, các thành viên HTX đã nghĩ đến phương án tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, cùng tài nguyên rừng phong phú để phát triển đàn ong mật. 

Ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng, thành viên HTX, chia sẻ: Khi thành lập HTX, chúng tôi đã góp vốn lên tới 1,3 tỷ đồng – một con số khá lớn đối với nông dân vùng cao. Do đó, vào thời điểm khó khăn, nếu không kịp thời thay đổi, chúng tôi có thể sẽ mất trắng.

Sản phẩm mật ong mè của HTX nông nghiệp Trâu Vàng đã được chứng nhận OCOP 3 sao.
Sản phẩm mật ong mè của HTX nông nghiệp Trâu Vàng đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Nghĩ là làm, sau nhiều lần cất công đi các huyện Phú Lương, Đại Từ để học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2023, các thành viên đầu tiên của HTX bắt đầu phát triển đàn ong theo hướng hàng hóa. Vừa làm, họ vừa cần mẫn học hỏi kỹ thuật, đọc thêm sách báo và tham khảo kinh nghiệm từ các mô hình khác.

Nhằm hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, HTX đầu tư 167 triệu đồng để mua máy tách thủy phần, tem mác, xây dựng kho bảo quản. Những mẻ mật ong đầu tiên ra đời cho hương vị thơm ngon bất ngờ, tạo thêm động lực cho các thành viên. Không chỉ phát triển sản phẩm, HTX còn tạo ra “câu chuyện” cho mật ong với khẩu hiệu “Ngọt vị ban sơ - Đậm tình sơn cước”. Sản phẩm được giới thiệu: “Những dãy núi trập trùng cùng hệ thực vật đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật…”.

Nhờ nỗ lực của các thành viên, tháng 12-2023, chỉ sau 7 tháng đầu tư, sản phẩm mật ong mè của HTX nông nghiệp Trâu Vàng đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng và hiện bày bán trên một số sàn thương mại điện tử, với giá 140-150 nghìn đồng/1 lít mật.

Anh Nông Văn Tiệp cho biết thêm: Chúng tôi đang đầu tư tem chống hàng giả và định hướng đưa sản phẩm mật ong vào các siêu thị, cửa hàng lớn. HTX cũng sẽ duy trì đàn trâu, bò và các hoạt động sản xuất – kinh doanh khác. Qua đó ngày càng phát triển thương hiệu HTX nông nghiệp Trâu Vàng, nâng cao thu nhập cho các thành viên