Vai trò đặc biệt của Hồ Chủ tịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sơn Trường 09:17, 24/04/2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là sự tổng hợp sức mạnh của quân sự và chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, trong đó có vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ việc lựa chọn căn cứ, hoạch định chiến lược, đối sách, đến tin tưởng trao trọng trách cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, một lần nữa cho chúng ta thấy sự vĩ đại, tài ba của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong cuộc trao đổi với một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Chiến thắng Điện Biên Phủ công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Từ chiến dịch mang bí danh Trần Đình

 Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vào những năm cuối, tinh thần và lực lượng của quân đội Pháp tại Việt Nam đã suy yếu nhiều. Chúng bị quân ta tiêu hao sinh lực ở nhiều chiến trường, nhất là chiến trường Tây Bắc vào cuối năm 1952. Chính bởi bị dồn lực lượng và thu hẹp địa bàn nên giới quân sự Pháp đã tính toán chọn Điện Biên Phủ - nơi gần biên giới với Lào làm căn cứ với mục đích xây dựng lá chắn che chở Bắc Lào và bảo vệ Lai Châu. Chúng muốn tập trung lực lượng tại đây để phòng ngự, tránh đụng độ với quân chủ lực của ta với mục đích kéo dài thời gian, gây tổn thất cho ta để buộc ta phải có thương lượng hoà giải. Tuy nhiên, như đọc được ý đồ của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã quyết định mở kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Tại cuộc họp Bộ Chính trị, Người cho rằng, địch muốn tập trung quân cơ động ở Điện Biên Phủ để tạo nên sức mạnh, nhưng chúng ta sẽ buộc chúng phải phân tán binh lực. Người minh hoạ bằng việc nắm bàn tay và mở rộng ra, mỗi ngón chỉ một hướng tạo thành 5 hướng, giống như 5 mũi tấn công của ta. Một là mặt trận Tây Bắc, tiêu diệt địch ở Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; hai là phối hợp với quân đội Lào tấn công Trung Lào; ba là tiến xuống hạ Lào; bốn là tấn công lên Bắc Tây Nguyên; năm là tấn công thượng Lào để phân tán lực lượng địch trên khắp các chiến trường.

Trước chiến lược của ta, quân đội Pháp đã phải gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ làm căn cứ vững chắc nhất ở Đông Dương với tên gọi “Tập đoàn cứ điểm”. Cùng với đó, Pháp tăng cường lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh cố thủ trong hệ thống hầm ngầm, giao thông hào và các lá chắn của xe tăng, xe bọc thép cùng sự yểm trợ của không quân, pháo binh. Người Pháp sau khi xây xong căn cứ đều tự hào rằng đây là căn cứ bất khả xâm phạm, là cái bẫy dụ quân chủ lực Việt Minh đến để nghiền nát. Có một vị chỉ huy pháo binh của Pháp còn tự đắc cho rằng: Không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của Pháp tiêu diệt.

Tuy nhiên, chúng không ngờ được rằng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấu được kế hoạch và âm mưu vốn được cho là tối ưu của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, tại ATK Định Hoá, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến quyết tâm chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Quyết tâm chiến thắng được Bác đặt lên vai Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, chiến sĩ của ta khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại phiên họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã chỉ thị cho tướng Giáp phải cùng toàn quân, toàn dân, toàn Đảng tập trung hoàn thành cho kỳ được mục tiêu chiến thắng vì “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”. Tinh thần quyết thắng của Bác còn được thể hiện khi Người gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận: Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn… Quyết tâm tiêu diệt địch; quyết tâm giữ vững chính sách; quyết tâm tranh nhiều thắng lợi. Với quyết tâm và chỉ đạo của Người, Trung ương Đảng, lần lượt 5 đại đoàn quân chủ lực của ta có mặt tại Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội ta thi đua lập công.

Với sự tin tưởng gần như tuyệt đối vào người học trò xuất sắc của mình là Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và niềm tin chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 1/1/1954, tại cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và trao quyền cho Tướng Giáp. “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” - Bác chỉ lệnh cho người học trò của mình. Người biết, đây là chiến dịch quan trọng, rất dễ gây tổn thất lớn cho ta, nên mọi việc phải cân nhắc cẩn trọng, chắc chắn. Quyết tâm chiến thắng là rất cần nhưng phải chắc thắng mới quyết định hành động. Chính điều này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhớ trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Và cũng từ chỉ huấn của Bác, Đại tướng đã có quyết định khó khăn nhưng sáng suốt và đúng đắn để chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” và giành về thắng lợi cuối cùng.

Sự tự tin vào thắng lợi còn được thể hiện qua sự việc Người trả lời một phóng viên nước ngoài về khả năng chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ. Bác dùng chiếc mũ cát lật ngửa lại rồi đấm nắm tay vào lòng mũ và nói với nhà báo: Đây là thung lũng Điện Biên Phủ có núi bao bọc xung quanh. Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Còn ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được…

Tướng Giáp sau này kể lại: Tôi lên Khuôn Tát (ATK Định Hoá) chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch. Khi biết tôi lo lắng vì “ngại ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”, Người đã nói: Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”… Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng.

Và ngày 5/1/1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ để rồi làm nên chiến thắng lịch sử trong 56 ngày đêm khiến cho quân đội Pháp vẫn tự hào là hùng mạnh phải ngả súng đầu hàng ở chiến trường Điện Biên ác liệt, chính thức chấm dứt chiến tranh, lê gót về nước.

Luôn cổ vũ, động viên chiến sĩ

Mặc dù không trực tiếp có mặt tại chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng tại ATK kháng chiến Thái Nguyên, Tuyên Quang, trong suốt chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, dõi theo từng bước tiến của bộ đội ta, kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Ngay sau ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954), Bác Hồ đã có thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận. Trong thư có đoạn: Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to!

Vì hiểu rõ tâm lý bộ đội ta trong những ngày đầu của chiến dịch lớn thường lo lắng hoặc có thể thiếu tự tin dù liên tiếp thu được thắng lợi, ngày 15-3, Bác tiếp tục gửi thư khen ngợi, động viên các chiến sĩ: Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí… Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TƯ LIỆU

Và ngay sau 1 ngày quân dân ta giành thắng lợi cuối cùng (7/5), Bác Hồ đã gửi thư khen đến mặt trận Điện Biên Phủ: Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt. Bác cũng không quên nhắc nhở bộ đội ta: Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Sau đó, ngày 12/5, Bác lại có thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Trong thư Bác viết: Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao. Thế là Bác cháu ta cùng vui… Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Và vào đúng dịp sinh nhật của mình năm đó, Bác đã gặp gỡ và gắn huy hiệu cho các chiến sĩ đã có chiến công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh

Như vậy, có thể thấy rất rõ vai trò quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Từ mảnh đất trung tâm ATK Việt Bắc (Định Hoá), Thủ đô kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có nhiều quyết sách quan trọng mà trong đó mở chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định quan trọng nhất làm nên chiến thắng vang dội, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh tại 3 nước Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh lại trở thành một khẩu hiệu, câu nói thường trực của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Đây thực sự là giá trị to lớn mang tầm thời đại, với ý nghĩa như là một tấm gương cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới nỗ lực vươn lên giải phóng đất nước mình, dân tộc mình.