Trung tuần tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022. Có được thành quả này không thể không nhắc đến đóng góp về công sức, trí tuệ của những người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện.
Để mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn, gia đình ông Nông Văn Vụ (ở xóm Vo, xã Tân Thành) đã hiến 1.000m2 đất. |
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Bình, cho biết: Địa phương hiện có 17.826 người là DTTS (Tày, Nùng, Sán Dìu…) chiếm 10,2% dân số, tập trung ở các xã Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim và Bàn Đạt, trong đó NCUT trong đồng bào DTTS là 24 người. Đây là bộ phận quần chúng đặc biệt, có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương, NCUT còn là những “hạt nhân” gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm… Qua đó góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM.
Đến xóm Vo, xã Tân Thành, chúng tôi thấy toàn bộ 4.000m đường giao thông của xóm đều đã được cứng hóa, có đoạn được mở rộng từ 2m lên 4m mặt đường, tạo thuận lợi cho 2 xe ô tô tránh nhau an toàn; nhà văn hóa xóm được xây dựng năm 2020 khang trang, rộng rãi…
Nhắc đến điều đó, người dân xóm Vo không quên công lao của ông Nông Văn Vụ (sinh năm 1948), là người dân dân tộc Nùng. Ông Nguyễn Văn Bất, Bí thư Chi bộ xóm Vo, thông tin: Ông Vụ là người DTTS có uy tín, luôn “sát cánh” với xóm trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Không những vậy, ông còn là người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó đến nay, toàn bộ đường xóm Vo đều đã được cứng hóa.
Chỉ tay về phía diện tích đất hiến để xóm làm đường giao thông nông thôn, ông Vụ chia sẻ với chúng tôi: Được bà con bầu là NCUT trong đồng bào DTTS, tôi luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong mọi hoạt động. Riêng phong trào xây dựng NTM ở địa phương, gia đình tôi đã hiến 1.000m2 đất để xóm mở rộng đường. Cùng với đó, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con góp công, góp của, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, có một số hộ dân tuyên truyền một lần, hai lần chưa được, “mưa dầm thấm lâu”, tôi đến tuyên truyền lần hai, lần ba… Sau khi nghe ra, các hộ đều đồng thuận.
Còn ông Cam Văn Khoa, Trưởng xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa, người được bà con bầu làm NCUT đã 10 năm nay, cho hay: Xóm Giếng Mật có 110 hộ dân, trong đó người DTTS (Tày, Nùng, Sán Dìu…) chiếm đến 86,3% số hộ. Chính vì 100% hộ dân đều sản xuất nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền, vận động bà con đóng góp, đối ứng để xây dựng hạ tầng là điều không dễ. Bởi vậy, ngay sau khi có chủ trương xây dựng NTM, xóm đã tổ chức họp để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra… Nhờ đó, bà con đều đồng thuận hưởng ứng các công việc chung của xóm.
Tính từ năm 2011 đến nay, người dân xóm Giếng Mật đã hiến hàng chục nghìn m2 đất để cứng hóa 4,7km đường xóm. Năm 2022, chúng tôi tiếp tục vận động bà con đóng góp hơn 70 triệu đồng để lắp đặt trên 100 bóng điện, thắp sáng toàn bộ các tuyến đường trong xóm…
Ngoài ra, trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nhiều NCUT trong đồng bào DTTS huyện Phú Bình cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, là tấm gương để cộng đồng noi theo.
Điển hình như mô hình phát triển kinh tế của ông Đặng Văn Hồng, dân tộc Sán Dìu, NCUT ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh; ông Mã Văn Đức, dân tộc Nùng, NCUT ở xóm Bờ La, xã Tân Kim…
Có thể nói rằng, những đóng góp của NCUT trong cộng đồng người DTTS trên địa bàn huyện Phú Bình thời gian qua không chỉ góp phần cải thiện đời sống nhân dân mà còn củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước; thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong việc xây dựng hệ thống chính trị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin