Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội. Ở mặt trận mới, nhiều CCB khiêm tốn nhận mình là người lính cũ, đang cùng đồng đội tiếp tục trên hành trình vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương.
Theo ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh: Toàn tỉnh có 9 hội cấp huyện, 3 hội khối 487 và 178 hội cấp xã, với tổng số gần 75.000 hội viên. Trong cuộc sống đời thường, nhiều hội viên CCB nỗ lực vươn lên, tích cực giúp nhau làm kinh tế và từng bước trở thành một phong trào sâu rộng.
Hiện, toàn tỉnh có gần 29.000 gia đình CCB có kinh tế từ khá trở lên. Một số cơ sở hội đã duy trì, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã với những mô hình kinh tế năng động, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Số hộ CCB nghèo và cận nghèo giảm nhanh, từ gần 6.200 hộ (năm 2016) xuống còn hơn 2.000 hộ (năm 2021). Trên toàn tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn không còn gia đình CCB nghèo.
Để phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi phát triển rộng rãi trên toàn tỉnh, Hội CCB chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan, tổ chức mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng quản lý vốn, kinh nghiệm sản xuất cho cán bộ, hội viên; trung bình tổ chức gần 100 lớp/năm, với gần 5.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Cũng thông qua tổ chức Hội, gần 20.000 lượt gia đình có thành viên là CCB được vay với tổng dư nợ 864 tỉ đồng, trong đó 986 triệu đồng từ vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm; hơn 814 tỉ đồng từ vốn vay tín dụng ưu đãi và thực hiện ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội, gần 50 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng khác.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Ban Kinh tế (Hội CCB tỉnh) chia sẻ: Thông qua các hoạt động phối hợp của Hội với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, những người lính cũ chúng tôi được trang bị, củng cố kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh cũng như kỹ năng đầu tư tiền vốn mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. Chính vì thế, chúng tôi luôn tự tin mình sẽ chiến thắng. Trước hết là chiến thắng chính bản thân mình, rồi giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Trong ngôi nhà mới xây, CCB Nguyễn Văn Rượng, xóm Bản Bắc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa) xúc động nói: “Ngôi nhà tôi ở mang nặng tình đồng đội. Để làm được nhà, đồng đội tôi đã góp công sức san một khoảnh đồi để tạo mặt bằng, rồi giúp tiền mua vật liệu xây dựng…”.
Từ năm 2016 đến 2021, các cấp hội đã huy động được hơn 4 tỉ đồng để hỗ trợ về nhà ở cho gần 150 gia đình hội viên. Ông Rượng là 1 trong các trường hợp được giúp đỡ.
Từ hơn 3 năm nay, CCB Đặng Văn Chi (bên trái), xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng hơn 600 cây ăn quả các loại.
Ngoài tiền hỗ trợ, những bạn lính cũ còn giúp nhau hàng nghìn ngày công lao động để san đất lấy mặt bằng xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và xây dựng công trình. Trong ủng hộ, hỗ trợ đồng đội vượt khó, phải kể đến gia đình CCB Nguyễn Đình Nguyên (T.X Phổ Yên) đã hỗ trợ 5 gia đình đồng đội làm nhà ở mới, với tổng số tiền hỗ trợ 250 triệu đồng.
Trở lại với “mặt trận” làm giàu, mỗi người một chí, nhưng không phải ai cũng “thuận buồm mát mái”, CCB Nguyễn Văn Dũng, xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là một ví dụ. Ông từng có bạc tỉ, song vì sa đà vào ma túy nên trở thành người trắng tay. Trong hoạn nạn, đồng đội không bỏ rơi, mà gần gũi động viên, khích lệ ông tự đứng dậy làm lại cuộc đời. Và ông đã tự cai nghiện thành công. Ông miệt mài lao động cùng vợ, con vực lại kinh tế gia đình. Vẫn cách làm truyền thống của… con nhà nông, ông tần tảo hôm sớm để cuốc đất trồng chè, trồng cây ăn quả, nuôi ong và làm ruộng. Chỉ ít năm sau đó, không chỉ ổn định kinh tế gia đình, ông còn có tiền giúp đỡ những CCB nghèo tại địa phương.
Ở “mặt trận” kinh tế, những người lính cũ luôn chủ động đưa ra các phương án “tác chiến” hiệu quả, điển hình như mô hình góp vốn xoay vòng. Mô hình này hỗ trợ tích cực cho CCB nghèo cơ hội khắc phục về vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn Hội đã thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả hơn 2.300 mô hình này, với tổng vốn luân chuyển trong hội viên hàng tỉ đồng.
Năng động để thích nghi, CCB Đỗ Văn Học, xóm Đồng Tiến, xã Tân Thái (Đại Từ) chia sẻ: Từ 15 năm gần đây, tôi không làm ruộng, làm rừng, nghề ươm cá giống cha truyền cũng bỏ luôn. Toàn bộ quỹ thời gian, tôi dành cho nuôi ong. Tôi nuôi ở quy mô hơn 100 đàn, bình quân 1 năm lấy được 500 lít mật; nhân đàn 30 thùng vừa bán, vừa giúp cho các hộ có giống cùng nuôi...
Khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người lính cũ “đứng mũi chịu sào”, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho con em CCB và lao động trẻ địa phương.
Số liệu lũy kế đến cuối tháng 11-2021, toàn Hội có 167 doanh nghiệp vừa và nhỏ do CCB làm chủ; 64 hợp tác xã; 53 tổ hợp tác sản xuất; 242 trang trại; 988 gia trại; hơn 2.500 hộ kinh doanh thu hút gần 14.000 lao động, với mức thu nhập từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt từ năm 2016, Hiệp hội Doanh nhân CCB của tỉnh được thành lập, đến nay, có 280 thành viên, trong đó 23 thành viên đạt doanh thu hơn 50 tỉ đồng/năm; 56 hợp tác xã, trang trại đạt doanh thu hơn 10 tỉ đồng/năm.
Điển hình như CCB Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Dương đạt doanh thu gần 200 tỉ đồng/năm; CCB Nguyễn Đức Cổn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh đạt doanh thu hơn 25 tỉ đồng/năm; CCB Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Công ty CP Nguyễn Quốc, đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng/năm...
Còn nhiều nữa những tấm gương của người lính cũ vượt khó, gặt hái được nhiều thành công trên mặt trận mới - mặt trận xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Họ là những tấm gương sáng, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như hoạt động an sinh xã hội.