Tiếp sức cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp

08:12, 12/03/2022

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên có 262.239 hội viên, trong đó trên 86% hội viên nông dân, ở nông thôn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khởi nghiệp là một trong những giải pháp giúp tạo việc làm cho phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng vai trò, vị thế của phụ nữ, của tổ chức Hội, trong những năm qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã mạnh dạn đưa ra nhiều giải pháp đột phá trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Ngay sau Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo, gắn với xây dựng Nông thôn mới”, với các tiểu đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp”, “Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”, …Tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Điều hành cấp tỉnh thực hiện đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, đồng thời ban hành kế hoạch hoạt động trong giai đoạn 2018-2025 và kế hoạch hoạt động từng năm, có giải pháp cụ thể để thực hiện từng chỉ tiêu.

Các cấp Hội xác định, khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo, có tính đột phá nhằm tạo ra sản phẩm mới cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, Hội quan tâm hỗ trợ nâng cao kiến thức, đa dạng hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, trang Facebook, Zalo của Hội,... Hội LHPN tỉnh đã phát động các phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; phong trào“Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất sạch - chế biến sạch - tiêu dùng sạch” để triển khai trong các cấp Hội. Từ đó xây dựng các gương điển hình trong phát triển kinh tế để tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện, làm động lực khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của chị em trong tham gia phát triển kinh tế.

Tổ chức các lớp tập huấn về “Khởi sự thông minh cho phụ nữ”, “Việt Nam Digital 4.0”; chuyển giao KHKT, khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng tiếp thị trực tuyến cho cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp; quan tâm các hoạt động marketing, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho hội viên phụ nữ ...

Trong nhiệm kỳ đã có 3.513 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp cơ sở.

Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh phát động “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo” để huy động nguồn lực hỗ trợ và tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương phát triển kinh tế, nguồn vốn được cho vay bằng 2 hình thức (vay bằng Bò, bằng tiền). Hoạt động của Quỹ có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các cấp Hội tăng cường hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ phát huy nội lực, khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ mở rộng về qui mô và chú trọng về chất lượng, hiệu quả. Tính đến tháng 12-2021, đã có 121.584 hộ gia đình có phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn 3.315 tỷ đồng từ các ngân hàng và Quỹ TYM.

Hội là đoàn thể dẫn đầu trong hoạt động ủy thác với NHCSXH (tổng số vốn vay 1.083 tỷ đồng). Trong nhiệm kỳ, Hội đã hỗ trợ 202 phụ nữ khởi nghiệp về kiến thức sản xuất, kinh doanh và 51 phụ nữ vay 1,770 tỷ đồng vốn để khởi nghiệp và hoàn thiện ý tưởng kinh doanh.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công cần có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Hội LHPN tỉnh chú trọng xây dựng mô hình chuỗi sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, vận động hội viên phụ nữ ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu dùng sạch; tổ chức các “Phiên chợ nông sản an toàn” hàng tháng để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản.

Các cấp Hội tăng cường giới thiệu, kết nối với khách hàng, nhà đầu tư để tiêu thụ sản phẩm cho hộ sản xuất, kinh doanh, các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo cơ hội để phụ nữ mở rộng thị trường kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hướng dẫn đăng ký nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, các hợp tác xã, tổ hợp tác. Hội thống nhất quan điểm xây dựng mô hình phải xuất phát từ nhu cầu của hội viên phụ nữ, có tính thiết thực, chi phí thấp, đồng thời lồng ghép được nguồn lực, phát huy nội lực từ người dân và huy động hỗ trợ từ các đơn vị, nhà tài trợ.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện có 100% cơ sở hội có các mô hình phát triển kinh tế, các cấp Hội đã thành lập mới 20 hợp tác xã, 73 tổ hợp tác, 28 tổ liên kết sản xuất theo chuỗi, 65 mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 184 nhóm sở thích; 511 mô hình phát triển kinh tế; 17 cửa hàng liên kết, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Với quyết tâm cao, chỉ đạo tập trung, có trọng điểm, với nhiều hoạt động phong phú, các mô hình khởi nghiệp do Hội hỗ trợ đều hoạt động hiệu quả, duy trì việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế, khẳng định vai trò của Hội Phụ nữ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.