Sáng 18/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai giảng năm học 2017-2018 và tiếp đó làm việc với Học viện Hành chính Quốc gia. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Học viện Hành chính Quốc gia thành lập năm 1959. Trải qua 58 năm phát triển, đến nay, Học viện là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Cùng với việc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức các cấp, từ năm 1996, Học viện bắt đầu đào tạo cử nhân và thạc sỹ hành chính; từ năm 2003 đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Quản lý hành chính công.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích học viện đạt được trong 58 năm qua, đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hành chính nước ta. Vốn quý của Học viện là đội ngũ giảng viên xuất sắc, góp phần đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ tham mưu, cải cách hành chính, xây dựng thể chế pháp luật.
Tuy nhiên, trước thực trạng nền hành chính nước ta còn nhiều vấn đề đặt ra, Thủ tướng cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện là rất quan trọng. Cả nước có 600.000 công chức từ cấp huyện trở lên, trên 2,5 triệu viên chức, số lượng cán bộ cấp xã rất lớn, nhưng chủ yếu được đào tạo chuyên ngành, nhiều người chưa hiểu hết về hành chính, bộ máy và thể chế hành chính.
“Chưa nói đến quản lý một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, mà ngay văn bản hành chính thế nào cho đúng cũng là vấn đề đặt ra trong hệ thống. Thế nào là khẩn, thế nào là kháng, thế nào là phê, thế nào là duyệt? Còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý hành chính. Anh đem một giấy của gia đình tới Ủy ban xã thì Chủ tịch phê là cháu Nguyễn Văn A thế này thế khác. Tại sao anh phê trong hồ sơ công dân lại gọi là cháu, là con” – Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng, Học viện cần có sự thay đổi trong quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ, không để mất cơ hội và không nằm ngoài tiến trình phát triển của thế giới.
Theo Thủ tướng, quản trị quốc gia phải tạo được động lực khởi nguồn cho những ước mơ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, xây dựng nên những thế hệ doanh nhân, nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong nền hành chính thời đại 4.0 phải là nền hành chính số, chính vì vậy, việc đưa công nghệ thông tin vào quản lý hành chính là yêu cầu tất yếu của mọi cấp hành chính, trong đó có việc đào tạo của Học viện Hành chính Quốc gia.
Nhấn mạnh một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả chính là lực lượng cán bộ công chức, viên chức. Để góp phần thực hiện việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Học viện cần nghiên cứu, giảng dạy để phổ cập một nền hành chính đạt mức độ trong sạch, tốt như một số nước như một số nước Bắc Âu, New Zealand, Singapore.
“Cán bộ học ở học viện Hành chính không những giỏi chuyên môn, nhưng mức độ trong sạch, liêm chính, phục vụ nhân dân phải đặt ra trong quá trình đạo tạo, rèn luyện. Chính vì vậy cán bộ hành chính và công tác phòng, chống tham nhũng đặt ra rất lớn đối với hệ thống hành chính Việt Nam. Đi lòng vòng chỗ nào cũng phong bì phong bao mới giải quyết, người dân kêu ca cái này rất lớn. Thời điểm hiện nay và những năm đến việc này đặt ra rất cần thiết. Không phải chỉ nghiệp vụ chuyên môn mà phẩm chất đạo đức của cán bộ hành chính liêm chính, phòng chống tham nhũng đang đặt ra rất lớn đối với hệ thống hành chính của nước ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với việc tiếp tục đổi mới cấu tổ chức phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, Thủ tướng cho rằng, Học viện cũng cần có tầm nhìn xa lộ trình 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa để định hình con đường phát triển; xây dựng Học viện trở thành trung tâm đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực.
Thủ tướng cũng lưu ý Học viện thực hiện mục tiêu đào tạo bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trung thành với Đảng, Nhà nước, tận tụy phục vụ nhân dân, trong sạch, không lãng phí, đáp ứng yêu cầu của nền hình chính hiện đại, hội nhập và khởi nghiệp.
Song song với việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học, Học viện cần tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó nghiên cứu những mô hình, cơ sở đào tạo hành chính công hiện đại trên thế giới để áp dụng một cách phù với điều kiện của Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngay sau khi dự lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo một số bộ ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện Hành chính Quốc gia.
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan đã báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Trong quá trình hoạt động, Học viện được chuyển giao nhiều cơ quan quản lý khác nhau, thiếu ổn định về cơ cấu, chức năng, tổ chức bộ máy. Là đơn vị sự nghiệp công lập đặc biệt, Học viện thiếu cơ sở pháp lý để hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ.
Các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, Học viện cần tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên về đào tạo quản lý nhà nước, phấn đấu tầm cỡ khu vực, vươn lên xếp hạng thế giới. Nội dung đào tạo của Học viện chủ yếu về kỹ năng. Theo đó, đẩy mạnh mời giảng viên là những người đã và đang làm công tác quản lý, nhà khoa học đầu đàn về thỉnh giảng. Học viện Hành chính Quốc gia cần nêu gương về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đối với việc xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia để đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam; đồng thời cho rằng, hiện có nhiều mô hình trên thế giới và mô hình Trường quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) là một hình có thể nghiên cứu, vận dụng phù hợp với Học viện.
Trong tương lai, Học viện cần hướng ra tầm cỡ khu vực, tuy nhiên. Tuy nhiên, trước mắt, Học viện cần củng cố, xây dựng Học viện vững mạnh để đóng góp vào cải cách hành chính ở Việt Nam. Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính, trong đó chú trọng phẩm chất, năng lực cán bộ hành chính, hướng đến cán bộ phải tận tụy, phục vụ nhân dân, nêu cao phẩm chất, đạo đức, kỹ năng hành chính tốt hơn là vấn đề mà Học viện cần tập trung.
Về xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Học viện, Thủ tướng cho rằng, tinh thần là sắp xếp lại bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm phân hiệu, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, có bước đi, lộ trình.
Học viện cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng giảng viên kiêm nhiệm theo hướng huy động nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, các chuyên gia để tham gia giảng dạy.
Trong nghiên cứu khoa học, Thủ tướng yêu cầu Học việc nghiên cứu những đề tài giúp tạo thuận lợi cho người dân, giải phóng sức sản xuất, giúp người dân có quyền giám sát, phát hiện, làm nhanh nhất về thủ tục hành chính. Cùng với đó là đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Học viện trên tinh thần tạo điều kiện tốt đa để Học viện phát triển tốt nhất trong thời gian tới./.