Trong những năm qua, cấp ủy Đảng các cấp ở huyện Võ Nhai luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy niềm tin và ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 31-12-2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Đến nay, ở cấp huyện đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 6 cuốn lịch sử, gồm: Lịch sử Đảng bộ huyện Võ Nhai tập 1 (1930-1945), Lịch sử Đảng bộ huyện Võ Nhai tập 2 (1955-2000), Lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang Võ Nhai (1941-2000), Lịch sử Công an huyện Võ Nhai (1947-2013), Kỷ yếu Đảng bộ huyện Võ Nhai (1937-2015), Lịch sử Đảng bộ Quân sự huyện (1947-2015). Đối với cấp xã, tính đến nay, đã có 12 Đảng bộ công bố, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ, gồm: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Thần Sa, Tràng Xá, Liên Minh, Phương Giao, Dân Tiến và Bình Long. Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc 2 xã Thượng Nung và Sảng Mộc hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương. Riêng đối với thị trấn Đình Cả (được thành lập năm 1990) hiện chưa tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ.
Để việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã đạt kết quả tốt, Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai đã chỉ đạo chia thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn từ năm 2009-2011, tiến hành nghiên cứu, biên soạn đối với các xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tiến hành nghiên cứu, biên soạn đối với các xã còn lại. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ. Trong các hướng dẫn đều đã thể hiện rõ quy trình thực hiện, từ khâu thành lập Ban chỉ đạo, tổ sưu tầm tư liệu, tổ biên soạn cũng như đề cương nội dung, các bước hội thảo, quy định thẩm định bản thảo lịch sử...
Nhận thức được vai trò của công tác nghiên cứu lịch sử Đảng bộ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tuyên truyền, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ nhân dân, Đảng ủy xã Lâu Thượng đã ban hành Nghị quyết số 229-NQ/ĐU ngày 16-1-2014 về việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1939-2014. Tiếp đó, Đảng ủy xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm và tiến hành thu thập, tổng hợp tư liệu. Đồng thời, xã đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư truyền hình truyền thông Việt Nam thực hiện công tác biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã. Đến nay, cuốn sách đã được xuất bản theo đúng tiến độ đề ra. Đồng chí Mai Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lâu Thượng cho biết: Để cuốn Lịch sử Đảng bộ xã đảm bảo chất lượng, tiến độ, Ban chỉ đạo đã phân công công việc cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tổ chức 4 lần hội thảo nhằm tiếp thu các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, sử đổi, bổ sung đảm bảo nguồn thông tin được chính xác nhất trước khi xuất bản.
Theo đánh giá của Huyện ủy Võ Nhai, hầu hết các ấn phẩm được xuất bản đã đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất, tính định hướng và tính giáo dục cao, đồng thời cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của các sự kiện lịch sử từng địa phương một cách đầy đủ, toàn diện. Quá trình biên soạn nghiêm túc, tuân thủ các bước nghiên cứu lịch sử. Nội dung tư liệu phong phú, phản ánh khách quan, chân thật lịch sử, ghi lại phong trào đấu tranh qua các thời kỳ cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ tại một số xã cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể: Đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa dành thời gian chuyên sâu cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Việc quản lý tư liệu chưa được chú trọng, nhiều nguồn tài liệu bị thất lạc, thiếu chính xác, khó xác minh đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng các cuốn lịch sử Đảng bộ. Thêm vào đó, chế độ, chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành, đơn vị còn hạn chế.
Đồng chí Ma Thị Bích Nguyệt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Võ Nhai chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi sẽ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; đẩy mạnh tiến độ thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn, ngành. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản Đảng bộ các xã, ngành hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của ngành. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉnh lý, bổ sung, tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện để đảm bảo tư liệu có độ chính xác cao, là "cẩm nang" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của huyện Võ Nhai.