Ngày 22/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.
Hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra
Theo đó, năm 2017, Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác; hầu hết các nội dung trong Chương trình công tác năm đã được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành theo kế hoạch, có việc vượt yêu cầu đề ra.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, với nhiều quy định về công tác xây dựng Đảng, về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng (PCTN) được ban hành; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kết luận làm rõ nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu, tạo khí thế mới trong công tác PCTN.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Nhiều vụ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra làm rõ, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng. Cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; tiến hành thanh tra toàn diện 04 dự án, rà soát việc thanh tra 07 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách Nhà nước 8.716 tỷ đồng, chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc công khai kết quả thanh tra, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, phát huy vai trò của báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh PCTN.
Ban Chỉ đạo tổ chức 08 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị 55 nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ở địa phương; kiến nghị các ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo xử lý 118 vụ việc, 39 vụ án tham nhũng, kinh tế, và kiến nghị Ban cán sự đảng TAND tối cao làm rõ các nội dung liên quan đến 01 cán bộ Tòa án nhân dân tối cao.
Ban Chỉ đạo đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong PCTN.
Dưới sự lãnh đạo tập trung, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ban cán sự đảng TAND tối cao đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương huy động lực lượng, tập trung cao độ, với quyết tâm vượt bậc, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản, truy bắt đối tượng truy nã quốc tế... để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa thanh tra, kiểm toán với điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng trong phát hiện, làm rõ, xử lý sai phạm và tội phạm ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 53 vụ án, 32 vụ việc. Đến nay đã kết thúc theo dõi, chỉ đạo xử lý 26 vụ án, 13 vụ việc, với mức án nghiêm khắc, nhưng rất nhân văn, đúng quy định của pháp luật.
Riêng trong năm 2017, đã kết thúc theo dõi, chỉ đạo xử lý 16 vụ án, 10 vụ việc, 16 kiến nghị của Hội đồng xét xử; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ/216 bị can; đã truy tố 12 vụ/172 bị can; xét xử sơ thẩm 05 vụ/73 bị cáo; xét xử phúc thẩm 06 vụ/80 bị cáo; xét xử giám đốc thẩm về phần dân sự 01 vụ án; kê biên và thu giữ tài sản trong một số vụ án đạt khá cao. Nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến nay. Trong 05 năm (2013 - 2017), Ban Chỉ đạo đã tổ chức 40 đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn kiểm tra đã đưa ra 404 kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đưa 02 vụ án, 04 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 29 vụ án, 05 vụ việc vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 175 vụ án, 237 vụ việc vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Đến nay, phần lớn các kiến nghị đã được thực hiện nghiêm túc, trong đó đã xử lý dứt điểm gần 70% vụ việc, vụ án.
Ban Chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, nhất là chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, tạo dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ đối với công tác PCTN.
Đề cao trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo
Các Thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo bám sát, quyết liệt, cụ thể, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vừa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo, vừa trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan chức năng quán triệt nguyên tắc tuân thủ pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo trong công tác PCTN; thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quan tâm chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương; vừa chỉ đạo định hướng về chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng vụ án, vụ việc, gắn với nâng cao trách nhiệm các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo tích cực, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình, Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách.
Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, tích cực, kiên trì, quyết liệt, sâu sát trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, nhất là tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp về kinh tế, tham nhũng; đồng thời trực tiếp nghiên cứu những vấn đề lớn, trọng tâm, lâu dài, căn cơ trong PCTN.
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong công tác PCTN
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, kịp thời; sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm cao của các Thành viên Ban Chỉ đạo; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cơ quan chức năng; sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, những nội dung trong Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong công tác PCTN, được nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác PCTN còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo còn chậm; Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo còn chậm so với kế hoạch đã đề ra... Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền khi giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; thu hồi tài sản tham nhũng đã được quan tâm và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp; công tác PCTN nói chung, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng nói riêng ở nhiều địa phương nhìn chung chưa chuyển biến mạnh mẽ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, năm 2018, cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN. Chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về PCTN; chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN.
Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Tổng Bí thư yêu cầu giao trách nhiệm cho các đồng chí đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án.
Phấn đấu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xét xử phúc thẩm 04 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; Chú ý xử lý tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (tình trạng “tham nhũng vặt”). Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo nhất trí chỉ đạo tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Quy định số 163-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; Kỷ niệm 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác PCTN thời gian qua và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ và trong những năm tiếp theo./.