Ở tổ dân phố số 2, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) ai cũng yêu quý Bí thư Chi bộ Phạm Đức Long. Không chỉ là người đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, nuôi dậy ba người con trưởng thành, người thương binh hạng 4/4 này còn luôn tạo được sự đồng thuận trong Chi bộ, cũng như đưa ra được nhiều chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.
Là bộ đội nghỉ hưu, năm 2000, đồng chí Long được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ (chi bộ ghép các tổ 1, 2, 3). Đến năm 2013, khi các chi bộ được tách ra, đồng chí Long đảm nhiệm vị trí Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2. Bí thư Phạm Đức Long cho biết: Tổ dân phố số 2 có 107 hộ dân thì gần 80% số hộ là người công giáo. Đa số các hộ dân ở đây đều sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Với thuận lợi cũng là người công giáo, tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để đưa ra những quyết sách hợp lòng dân.
Một trong những điều mà người dân nơi đây rất quý trọng Bí thư Long là ông luôn chỉ đạo các ban, đoàn thể của Tổ bố trí mọi hoạt động của địa phương phù hợp với nguyện vọng của các giáo dân. Đồng chí Phạm Văn Thảo, là đảng viên người công giáo đang sinh hoạt tại Chi bộ tổ 2 nói: Đồng chí Bí thư Chi bộ chỉ đạo việc tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân phố, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc… đều tránh tổ chức vào ngày Chủ nhật để các giáo dân có thời gian tham gia các hoạt động tôn giáo.
Là người có lối sống chan hòa, luôn giúp đỡ mọi người xung quanh nên đồng chí Long rất quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo ở địa phương. Hiện nay, Tổ vẫn còn 3 hộ nghèo do đây là những hộ có người già neo đơn, thiếu vốn và đất sản xuất… Cùng với việc chỉ đạo các ban, đoàn thể của Tổ vận động nhân dân quyên góp tiền giúp đỡ các gia đình này, đồng chí Bí thư Chi bộ còn giao nhiệm vụ cho Chi hội Phụ nữ đỡ đầu các hộ nghèo này. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống của họ cũng đã vợi bớt khó khăn.
Nói đến Bí thư Long là mọi người lại nhắc đến những ngày khu dân cư Oánh (KDC) mở rộng, cứng hóa các tuyến đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa. 15 năm trước, tiếng là địa phương nằm giữa trung tâm thành phố nhưng đường giao thông ở KDC khó đi lắm. Mặt đường đất nhỏ hẹp, không có rãnh thoát nước nên nước thải sinh hoạt của các hộ dân chảy tràn ra đường làm mất vệ sinh môi trường. Đồng chí Phạm Văn Thảo cho biết thêm: Những hôm trời mưa to, đường ngập sâu dưới nước, mùi hôi của nước thải lẫn với nước mưa bốc lên rất khó chịu.
Với quyết tâm mở rộng, cứng hóa con đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các hộ dân, Bí thư Long đã bàn bạc với các đảng viên trong chi bộ và đi đến quyết định chỉ đạo các ban, đoàn thể của KDC cùng vào cuộc vận động người dân đóng góp tiền đối ứng làm đường. “Được lời như cởi tấm lòng”, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn, đoạn đường dài 600m đầu tiên của KDC đã được "cứng" hóa. Từ thành công tuyến đường đầu tiên, đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông dài khoảng 2km của KDC đều đã được bê tông hóa.
Sau khi vận động người dân đóng góp đối ứng làm đường thành công, Bí thư Long lại bàn bạc với các đảng viên trong Chi bộ tìm ra giải pháp để xây dựng nhà văn hóa của KDC. Trước năm 2008, tổ chưa có nhà văn hóa nên vẫn phải sinh hoạt ghép với các tổ dân phố khác. Bởi vậy, để có nơi sinh hoạt riêng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thì phải tìm được khu đất phù hợp và phải có kinh phí xây dựng. Sau khi khảo sát, Bí thư Long đề nghị UBND phường giao trụ sở của hợp tác xã cũ của phường cho KDC xây nhà văn hóa. Ngay khi được cấp trên đồng ý giao đất, Bí thư Long đã họp và bàn với các ban, đoàn thể và thống nhất phương án đóng góp. Để giảm chi phí đóng góp cho nhân dân, khi Trường THCS của phường dỡ bỏ một số dãy phòng học cũ, đồng chí Bí thư Chi bộ trực tiếp làm việc với Nhà trường và đề nghị mua thanh lý, tận dụng lại những vật liệu còn tốt để phục vụ cho việc xây dựng nhà văn hóa; vận động các hộ dân đóng góp thêm công lao động. Ngoài ra, ông còn yêu cầu ghi danh những người đóng góp số tiền lớn hơn mức quy định... Sau nhiều nỗ lực, nhà văn hóa rộng trên 190m2 của KDC cũng đã hoàn thành. Trị giá của nhà văn hóa lên tới vài trăm triệu đồng nhưng nhờ có sự sáng tạo của đồng chí Bí thư và các đảng viên trong Chi bộ nên số tiền đóng góp của bà con đã được cắt giảm đi khá nhiều.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong suốt quá trình làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Long cho hay: Để được đảng viên, quần chúng tin yêu thì Bí thư Chi bộ phải là người “miêng nói, tay làm”, không ngại khó, ngại khổ và luôn là người tiên phong đi đầu. Đặc biệt, mọi quyết sách đưa ra đều phải phục vụ lợi ích cho nhân dân và theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.
Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Long, Tổ dân phố số 2 luôn là một trong những “điểm sáng” của phường Túc Duyên khi tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững; bà con Lương - Giáo đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; đời sống kinh tế của bà con phát triển . Đặc biệt, hằng năm gần 100% số hộ dân của Tổ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; Tổ dân phố nhiều năm đạt danh hiệu văn hóa; chi bộ nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh…
Theo đánh giá của đồng chí Phạm Văn Tuyến, Phó Bí thư Thường trực phường Túc Duyên, Bí thư Long là người luôn trách nhiệm với công việc được giao. Có những phần việc rất khó thực hiện nhưng Bí thư Long vẫn nỗ lực hoàn thành cho bằng được. Đây là một tấm gương điển hình đáng được nhân rộng.