Năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; cũng là năm hoạt động thứ hai của Quốc hội khóa XIV. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Riêng trong năm 2017, ngay từ đầu năm, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất xây dựng kế hoạch công tác, bám sát triển khai thực hiện. Đoàn ĐBQH tỉnh với 7 đại biểu, giữ các vị trí quan trọng ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương. Đây là những điều kiện quan trọng để Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ.
Mỗi ĐBQH trong Đoàn đều nhận thức rằng vai trò của người ĐBQH là nơi cử tri gửi gắm niềm tin với mong muốn đại biểu sẽ đại diện cho tiếng nói của cử tri, của nhân dân; chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng, là cầu nối vững chắc giữa cử tri và các cơ quan nhà nước. Với nhận thức đó, mỗi đại biểu đều cố gắng làm tốt trọng trách của mình. Trên cơ sở phát huy những thuận lợi và kế thừa kinh nghiệm của các ĐBQH khóa trước, cùng với sự nỗ lực, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của mỗi ĐBQH, năm 2017, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên từng lĩnh vực công tác.
Hoạt động xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh luôn được quan tâm, đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, tiếp tục chú trọng lấy ý kiến của nhóm đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của dự án luật và trên cơ sở tổng kết luật hiện hành. Ngoài việc lấy ý kiến vào các dự án luật sắp được Quốc hội thông qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên còn chủ động lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu. Năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 8 dự án luật trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV và tham gia góp ý kiến vào 14 Dự án luật trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật tập trung vào những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa có sự thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Các vị đại biểu chuyên trách ở Trung ương, đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban của Quốc hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến từ khâu xây dựng dự thảo luật đến các hội nghị thẩm tra của Ủy ban, các đại biểu ở địa phương đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lấy ý kiến vào các dự án luật tại địa phương, đồng thời thông qua công tác tiếp xúc cử tri, xử lý đơn thư và giám sát để phục vụ công tác xây dựng luật. Trong năm 2017, ngoài ý kiến tại các hội nghị, hội thảo, thảo luận hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã có 22 văn bản tham gia ý kiến vào các dự án luật.
Tại các kỳ họp Quốc hội, mỗi ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã được ghi nhận và đánh giá cao tại Quốc hội. Bằng tiếng nói của mình và nỗ lực hoạt động tại các diễn đàn của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã góp phần lớn vào quyết định một số vấn đề rất quan trọng của Quốc hội, có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc.
Công tác giám sát cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện có hiệu quả, các cuộc giám sát đã mang lại kết quả tích cực. Đối với mỗi cuộc giám sát, Đoàn thực hiện chặt chẽ từ khi xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị được giám sát để xây dựng đề cương báo cáo giám sát phù hợp. Thành phần và đối tượng giám sát cũng được lựa chọn kỹ càng để đạt được hiệu quả giám sát cao nhất. Đại biểu chuyên trách ở địa phương đóng vai trò là người tổ chức, kết nối, vừa đóng vai trò chủ chốt trong công tác giám sát của Đoàn ĐBQH ở địa phương. Trong năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 03 cuộc giám sát: Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Giám sát qua báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Bên cạnh việc tổ chức và thực hiện giám sát, khảo sát theo kế hoạch, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri, lựa chọn một số vấn đề cụ thể mà đông đảo cử tri quan tâm, bức xúc để tổ chức giám sát và khảo sát làm rõ kiến nghị chính đáng của cử tri, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri.
Công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được đổi mới. Ngoài những cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, Đoàn còn tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm như tiếp xúc cử tri ngành y tế, công an..., đồng thời kết hợp với công tác giám sát, tiếp công dân... để thu thập các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cách làm này mang lại nhiều hiệu quả tích cực; thực trạng những vấn đề mà ĐBQH quan tâm được phản ánh rõ nét; lượng thông tin mà ĐBQH thu thập được rất phong phú và chân thực. Các kiến nghị của cử tri cơ bản do Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chuyển đến đều được các bộ, ngành, các cấp chính quyền nghiên cứu, xem xét giải quyết và trả lời bằng văn bản, thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Việc tiếp công dân được các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH quan tâm thực hiện tốt, đồng thời chỉ đạo, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện công tác tiếp dân hằng tuần theo quy định của Luật tiếp công dân, Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13, ngày 15-05-2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu HĐND các cấp”. Kết quả đã có 138 lượt công dân đến trình bày, phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Đoàn ĐBQH. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng thời gian và quy trình xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn thư của công dân đều được Đoàn ĐBQH tỉnh xử lý, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết.
Thông qua các hoạt động như tiếp xúc cử tri, tham gia các kỳ họp HĐND... nhiều vấn đề bất cập trong triển khai thực hiện chính sách đã được Đoàn ĐBQH tỉnh phát hiện và có kiến nghị, đề nghị các cơ quan giải quyết. Cụ thể: Việc cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập đến các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP còn chậm, không kịp thời, có khi kết thúc năm học nhưng các đối tượng chưa nhận được tiền hỗ trợ, gây khó khăn cho nhân dân. Đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Nguyên đã gửi câu hỏi chất vấn đến Phó Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân của việc chậm cấp kinh phí hỗ trợ cho người học theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và giải pháp giải quyết vấn đề trên. Câu hỏi chất vấn của đại biểu đã được trả lời bằng văn bản và chỉ đạo giải quyết. Các văn bản hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị định 116/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có sự khác nhau. Vấn đề này cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục kiến nghị yêu cầu các cơ quan Trung ương có hướng giải quyết.
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chủ động và làm tốt công tác đối ngoại, là cầu nối giữa các cơ quan ngành dọc của tỉnh và Trung ương, đề xuất những chủ trương, chính sách với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đoàn ĐBQH cũng tích cực củng cố mối quan hệ với nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đoàn thể tại địa phương thông qua các hoạt động như tặng quà, thăm hỏi gia đình chính sách nhân các ngày lễ lớn; phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu thu được nhiều kết quả tích cực…
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng như mỗi cá nhân ĐBQH tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực công tác, xứng đáng với trọng trách và niềm tin mà cử tri và nhân dân giao phó.