Vừa ở Hà Nội về đến nhà, sức chưa lại, nhưng anh đã xăm xắn vào việc. Vừa xem lại các văn bản mới phục vụ cho công tác Đảng, lại tranh thủ hỏi thăm tình hình sản xuất của địa phương. Anh tâm sự: Một ngày Đảng còn tin, dân còn tín thì mình phải làm hết sức. Anh là Ma Khánh Tăng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nung (Võ Nhai).
Tôi biết sâu kín trong chất người mộc mạc, dung dị của anh là một trái tim tâm huyết, mang nặng trách nhiệm của người đảng viên. Không chỉ sống gần dân, biết “Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ” (thơ Tố Hữu) nên anh được cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong vùng nể mến. Anh kể: Tôi sinh ra ở một lũng núi xã Thượng Nung. 21 tuổi được kết nạp vào Đảng, đến nay có hơn 30 công tác ở xã, thì 22 năm làm công tác Đảng. Gần lục tuần (60 tuổi), sắp nhận sổ hưu, nhưng vẫn tự đặt cho mình nguyên tắc: Đã làm thì phải làm hết mình.
Xã Thượng Nung có 7 xóm: Tân Thành, Trung Thành, Lạc Thành, An Thành, Lũng Cà, Lũng Hoài và Lũng Luông, với tổng số gần 500 hộ, hơn 2.600 nhân khẩu, 99% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Tày, Mông, Dao… Bởi vùng đất có địa thế phức tạp, nhiều núi dốc, khe hẹp, ruộng nương không thuận nước, mùa vụ được, mất phụ thuộc vào… ông trời. Nên ở huyện Võ Nhai, nhắc tới Thượng Nung là gợi lên trong suy nghĩ của mọi người về vùng đất “gánh” trên lưng cặp bài trùng đói - đẻ. Lý do biện minh cho “sự đói” và “cái đẻ” vì giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, đồng bào thiếu vốn làm ăn, một số tập quán lạc hậu còn tồn tại trong cuộc sống của đồng bào.
Nghèo khó làm cái nghĩ của con người không thấy lối ra. Nhiều người chỉ biết lên rừng chặt cây bán cho lâm tặc. Có tiền thì mua rượu đổ chai, từ chai đổ vào miệng, tỉnh cơn bí tỷ lại lên rừng. Thấy trẻ nhỏ thiếu ăn, người già thiếu áo, những phụ nữ nhếch nhác trong chợ phiên vì chưa đủ tiền mua muối mặn, dầu thắp, anh thấy khổ tâm. Nhiều đêm mất ngủ, anh nghĩ phải làm như thế nào để người dân Thượng Nung vơi đi nghèo khó.
Phải “Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ”. Anh nghĩ như thế, và cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã đi tìm đáp số cho bài toán xóa đói, giảm nghèo, rồi xây dựng thành nghị quyết toàn khóa. Cụ thể hơn là các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa mới… đồng thời phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng xóm, bản, cụm dân cư. Bản thân anh cũng chẳng nề nan nặng nhẹ, ít ngồi bàn giấy văn phòng, tích cực đi cơ sở để nắm bắt thực tế, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Anh từng nhắc nhở một số cán bộ, đảng viên: Mình làm việc vì nhân dân, nếu không đến với nhân dân, không hiểu nhân dân thì đừng nên làm cán bộ Đảng.
Mọi việc đều “Từ nhân dân mà ra”. Nhưng trước các phong trào địa phương thì vai trò, trách nhiệm của người đảng viên cực kỳ quan trọng. Những đảng viên ở thế hệ như anh đều thuộc nằm lòng bài “Chuyện thơ” của Nhà thơ Tố Hữu, trong đó có câu: “Thuyền bơi có lái, qua mưa gió/ Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ”. Một lần chúng tôi có hỏi cụ Lương Xuân Bích (nguyên Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 1987-1989) về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay. Cụ bảo: Lớp trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, anh Tăng là những đảng viên như thế. Nhiều cách làm do anh đề xuất đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo vùng đất xã Thượng Nung. Khi ấy anh Tăng khiêm tốn nói với cụ Bích: Chúng cháu là thế hệ hậu sinh, chỉ là tiếp nối truyền thống cha anh, cùng các thế hệ cán bộ, đảng viên lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Còn cụ Ma Thị Chu, 81 tuổi, xóm Trung Thành tâm đắc: Cán bộ Tăng năng về với dân, vận động nhân dân tích cực tham gia bài trừ hủ tục lạc hậu, không lãng phí tiền bạc vì tổ chức cưới to, ma lớn, tiền ấy để mua hạt giống ngô, lúa mới về gieo trồng.
Thực tế cho thấy, càng ở những nơi khó khăn, gian khổ thì vai trò của người đảng viên càng trở nên quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên giống như một tấm gương. Anh bảo: Cán bộ, đảng viên liêm chính, nhiệt tình thì mới xây dựng được phong trào tốt. Ví như việc vận động đồng bào không tảo hôn, không sinh con thứ ba trở lên, không nghe truyền đạo trái phép và không vi phạm pháp luật và tích cực lao động sản xuất, xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, cán bộ, đảng viên phải làm mẫu để đồng bào làm theo. Còn với những cán bộ, đảng viên vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, anh trực tiếp tìm hiểu nguyên do, phân tích để người được phê bình nhận thức đầy đủ, và có hướng sửa chữa tích cực.
Tuy nhiên trong những năm ngồi “ghế nóng”, anh phải đắng lòng khi cầm bút ký tên mình vào quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên của Đảng bộ. Thật không có gì đau xót hơn, nhưng anh cũng như Đảng bộ, nhân dân không dung túng, bao che cho những cán bộ, đảng viên bị gục ngã trước viên đạn bọc đường (năm 2012, xã có 1 Phó Chủ tịch UBND bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng). Mất thành tích chung, nhưng đổi lại là nội bộ Đảng đoàn kết, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố. Anh cho biết thêm: Hiện Đảng bộ có 156 đồng chí, trong đó năm 2017 kết nạp mới 12 đảng viên. Các xóm có ít đảng viên được bố trí sinh hoạt chi bộ ghép: Lũng Cà với Trung Thành; Lũng Luông với An Thành; Lũng Hoài với Tân Thành. Chuyện Đảng, chuyện dân, ông Lý A Dinh, người có uy tín ở xóm người Mông Lũng Hoài tâm đắc: Cán bộ Tăng giống như con chim quý, “nó” mang lời của Đảng về cho dân. “Nó” vận động người trẻ hăng hái học tập, vươn lên. Nhờ nghe lời cán bộ Tăng, nhiều người thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
Là người con của quê hương Thượng Nung, lại có bề dày kinh nghiệm công tác dân vận, nên anh hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào, đã tin thì ủng hộ hết mình, và khi mất niềm tin thì không hợp tác, chính quyền bất lực. Do vậy, hằng tháng anh đều xắp xếp thời gian đến các xóm khó khăn nhất, đặc biệt là xóm người Mông. Đến đó, anh cùng các đảng viên trong chi bộ cơ sở đi thăm nom người cao tuổi, động viên hộ nghèo cố gắng khắc phục khó khăn, và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Nhiều khi anh vận động trẻ em đến trường lớp học chữ, không tảo hôn, trong nhà có người ốm không cúng ma. Thấy anh nói có lý, đồng bào tin anh, nghe anh, không nghe, không theo hoạt động trái phép của tổ chức Dương Văn Mình - một tổ chức không được Nhà nước cho phép hoạt động. Rồi khi Nhà nước có chủ trương mở đường lên các bản người Mông, nghe lời anh, đồng bào hăng hái hiến đất để từ tuyến đường trục chính của xã ngược dốc núi về xóm người Mông.
Dù đã hơn 3 năm tuyến đường bê tông lên bản người Mông được hoàn thiện, nhưng anh vẫn nhớ như in tên từng chủ hộ tích cực tham gia hiến đất, như: 10 hộ dân bản Lũng Cà hiến 3.396m2; 18 hộ xóm Lục Thành hiến 3.557m2; 7 hộ xóm Lũng Luông hiến 3.527m2. Biết đất nương, đồi cho quả bắp nuôi sống con người, nhưng đồng bào không ngần ngại, sẵn sàng hiến tặng, không toan tính. Vì tôi biết điều giản dị ở đời là chỉ có hy sinh mới đổi được hy sinh, và chỉ có niềm tin mới xây dựng được lòng tin - Đảng viên Ma Khánh Tăng đã làm được điều đó, bởi anh biết “Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ”.