Khi chúng tôi hỏi “Khó khăn nhất đối với địa phương hiện nay là gì?”, ông Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc (Võ Nhai) không chần chừ mà đáp ngay rằng: “Cái gì cũng khó”. Tuy vậy, không ỷ lại, chông chờ vào sự đầu tư của cấp trên, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, người dân xã vùng cao này đã cho thấy những nỗ lực lớn và đạt được kết quả đáng ghi nhận trên một số lĩnh vực.
Nà Lay từng là một trong những xóm khó khăn nhất xã Sảng Mộc vì đất nông nghiệp ít lại manh mún và không thuận lợi tưới tiêu, người dân mang nặng tư duy sản xuất tự cung tự cấp. Đặc biệt là giao thông trước đây rất khó khăn, gây trở ngại cho việc giao thương của bà con. Nhưng vài năm trở lại đây, Nà Lay có sự “chuyển mình” khá rõ nét. Theo anh Nông Văn Tiền, Bí thư Chi bộ xóm thì nguyên nhân quan trọng là người dân đã thay đổi về tư duy. Bà con không còn trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà đã năng động, tích cực hơn trong phát triển sản xuất, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng. Đồng thời hăng hái đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để phát triển hạ tầng nông thôn. Để có được kết quả đó, Chi bộ xóm và từng cán bộ, đảng viên đã kiên trì tuyên truyền và đi đầu trong mọi phong trào để người dân noi theo.
Năm 2013, Nà Lay là xóm đầu tiên trong xã mạnh dạn đăng ký nhận xi măng và vận động nhân dân hiến đất, đối ứng để làm đường bê tông nông thôn mới. Bí thư Nông Văn Tiền chia sẻ: Do người dân nghĩ rằng sẽ được Nhà nước đầu tư toàn bộ nên lúc đầu bảo nhau “cứ chờ”. Chi bộ đã ra nghị quyết và giao nhiệm vụ cho các đoàn thể, đảng viên chia thành các tổ đến từng nhà vận động, tuyên truyền để bà con hiểu, đồng thời chỉ đạo xóm họp công khai thông tin. Từ đó, người dân dần được “thông” về tư tưởng nên tích cực hiến đất, góp công sức và tiền mua máy trộn bê tông để làm đường. Đến nay, xóm đã làm được 2,6km đường bê tông, chỉ còn khoảng 600m nữa cần cứng hóa… Là xóm duy nhất chưa có nhà văn hóa, Chi bộ xóm cũng đã ra nghị quyết, lãnh đạo huy động nhân dân góp tiền mua đất, đối ứng để làmnhà văn hóa trong năm nay.
Cùng với phát triển hạ tầng nông thôn, vài năm trở lại đây, người dân xóm Nà Lay cũng tích cực, năng động trong phát triển kinh tế. Nhiều năm trước, ở xóm có thực trạng người dân được nhận phân bón và cây giống cấp phát về nhưng không trồng rừng do chưa nhận thấy hiệu quả và đường sá rất khó khăn nên xe tải không vào được. Nay khác hẳn, hộ nào cũng có ít nhất khoảng 3ha rừng trồng, phần lớn những diện tích đất đồi hoang hóa trước đây đã được thay bằng cây keo, mỡ hoặc quế. Chăn nuôi gia súc cũng đang phát triển khá tốt, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua trâu, bò, dê về nuôi. Năm 2017, xóm có 6 hộ thoát nghèo (hiện còn 37 hộ nghèo trên tổng số 63 hộ), một số cán bộ, đảng viên đã trở thành những tấm gương phát triển kinh tế trong xóm như anh Nông Văn Tiền, Nông Văn Nho…
Những khó khăn khách quan cũng như chuyển biến đáng ghi nhận ở xóm Nà Lay là minh chứng điển hình cho tình hình chung của xã vùng cao Sảng Mộc những năm gần đây. Ông Nguyễn Văn Giới, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã khẳng định như vậy và cho biết thêm: Những tiềm năng, lợi thế và khó khăn của địa phương được Đảng ủy xã xác định rõ trong các nghị quyết nhằm đề ra giải pháp phù hợp, chỉ đạo chính quyền cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án, dự án khả thi. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự tiên phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên được phát huy.
Cùng với triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của cấp trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Sảng Mộc còn chú trọng huy động nội lực trong dân để phát triển hạ tầng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được xã quan tâm thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả. Hiện, trên địa bàn xã đã có 27,3km đường được cứng hóa, trong đó có 16,3km đường bê tông xây dựng theo hình thức người dân đối ứng; 8/8km kênh mương được cứng hóa; 9/10 xóm có nhà văn hóa.
Từ việc xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Sảng Mộc tập trung lãnh đạo, vận động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc. 3 năm trở lại đây, phát triển rừng sản xuất đã trở thành phong trào, trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng mới, trồng lại được khoảng 100ha rừng (riêng năm 2017 đạt 141,5ha). Cùng với đó, các loại cây ăn quả có tiềm năng cho thu nhập cao như: cam, bưởi, nhãn, mít… ngày càng được nhiều hộ dân đưa vào trồng thay thế vườn tạp. Theo anh Hà Văn Nguyên, cán bộ khuyến nông xã, nếu như cả nhiệm kỳ trước diện tích cây ăn quả giống mới được người dân đưa vào trồng chưa đến 1ha thì nay đã phát triển lên tới 20ha. Các giống lúa, cây màu có năng suất, chất lượng cao cũng được bà con tích cực phát triển đồng thời với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân và hiệu quả của các chương tình, mô hình, dự án do cấp trên hỗ trợ.
Tuy vậy, Sảng Mộc vẫn là một trong những xã khó khăn nhất tỉnh hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 49,14%, cận nghèo còn 12,72%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 18 triệu đồng/năm; còn 52,7km đường cần cứng hóa; đa số nhà văn hóa xóm chưa đạt chuẩn; mới có ¼ trường học đạt chuẩn quốc gia; xã mới đạt 10 tiêu chí nông thôn mới… Đó là những thách thức rất lớn đối với hệ thống chính trị và người dân trong xã. Trong bối cảnh đó, những kết quả đã đạt được, những chuyển biến gần đây có thể coi như đòn bẩy, giúp cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương vững tin, có động lực hơn để vượt qua mọi khó khăn trên những chặng đường mới.