Bằng các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình địa phương của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế - xã hội ở Phú Lương đã đạt được những kết quả khá vững chắc, góp phần làm cho diện mạo của huyện thêm khởi sắc.
Đến Động Đạt những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng của một xã đã đạt chuẩn nông thôn mới: Nhà văn hóa xã đã được xây dựng to đẹp; giao thông ở các thôn xóm thuận lợi; trường học, trạm y tế xã đã được xây dựng khang trang; những ngôi nhà mới xuất hiện ngày càng nhiều; hoạt động giao thương hàng hóa cũng trở nên nhộn nhịp. Cùng với đó, huyện ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao... Tất cả những hình ảnh này đã minh chứng cho chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Trần Thế Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Động Đạt cho biết: Nhờ có những giải pháp, kế hoạch cụ thể, sát với tình hình địa phương, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV đề ra, như: chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm... Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, từ các nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước và huy động từ người dân, doanh nghiệp, xã đã xây dựng được 25,9km kênh mương nội đồng; làm mới 21,6km đường liên thôn, xóm; xây mới và sửa chữa 13 nhà văn hóa xóm, 1 sân thể thao xã, 2 công trình thu gom rác thải... với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ở Động Đạt thêm khởi sắc.
Rời Động Đạt, đến một số xã khác của huyện như: Cổ Lũng, Phấn Mễ, Yên Đổ, Hợp Thành, Vô Tranh, Tức Tranh..., chúng tôi cũng nhận thấy diện mạo nông thôn đang thay da, đổi thịt. Có thể khẳng định đây là kết quả từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực hvươn lên của nhân dân các dân tộc trong huyện. Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Phú Lương đã đạt được những kết quả quan trọng, vững chắc.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Bí thư Huyện ủy Phú Lương cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chủ động xây dựng và tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án toàn khóa trên các lĩnh vực. Qua đó, nhiều chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết, như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 25,37% (Nghị quyết: tăng 14% trở lên); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 5,8% (Nghị quyết:4%); sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hàng năm đạt 40,8 nghìn tấn (Nghị quyết: đạt trên 40 nghìn tấn); giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2017 đạt 82 triệu đồng/ha/năm (Nghị quyết đến 2020 đạt 80 triệu đồng trở lên); thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 23,3% (Nghị quyết: 20% trở lên); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80,3% (Nghị quyết đến năm 2020 đạt 80% trở lên). Cùng với đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đang được thực hiện đảm bảo lộ trình đề ra...
Gia đình anh Đinh Văn Tuấn, tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu (Phú Lương) đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình trang trại tổng hợp VACR.
Xác định phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngày từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Phú Lương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp gắn với thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, Huyện ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành của huyện triển khai nghiêm túc các nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới, huy động hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình, đôn đốc các xã thực hiện theo đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến hết năm 2017, huyện có 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2015.
Cùng với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, Huyện ủy cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, huy động tối đa các nguồn lực tại địa phương để lồng ghép với nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Tính đến hết năm 2017, có 4/4 dự án trọng điểm theo nghị quyết đã được triển khai và đang trong tiến độ thực hiện. Trong hơn 2 năm qua, huyện đã huy động được trên 420 tỷ đồng để xây dựng 391 công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vận động nhân dân hiến gần 86 nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Toàn huyện cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 6 công trình, dự án trọng điểm với tổng diện tích đất thu hồi là 68,5ha.
Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Huyện ủy Phú Lương còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một loạt các giải pháp phát triển văn hóa - xã hội theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Cụ thể, Huyện ủy đã chỉ đạo làm tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hoá, thể thao, thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Các công trình, dự án, thiết chế văn hoá từng bước được đầu tư xây dựng. Trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện 2 dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Đuổm và múa Tắc xình gắn với du lịch cộng đồng.
Xác định chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo là "chìa khóa" tạo nên thành công, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ bước đầu đi vào nền nếp. Việc bố trí sắp xếp, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đều được thực hiện đúng quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hệ thống tổ chức cơ sở Đảng thường xuyên được củng cố, chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng từng bước được nâng lên. Các cấp uỷ đảng còn tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ. Công tác phát triển đảng được chú trọng...
Bên cạnh những kết quả trên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp chưa hiệu quả, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt thấp. Điều này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cần xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế tại địa phương nhằm phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư.