Trước kỷ luật của Đảng: Mọi đảng viên đều bình đẳng

11:11, 19/04/2018

Để có căn cứ thi thành kỷ luật đảng viên vi phạm một cách công minh, chính xác, kịp thời, phù hợp với thực tiễn cuộc sống luôn biến đổi đa dạng, phức tạp, ngày 15-11-2017 Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (Quy định số 102-QĐ/TW) thay thế cho các quy định trước đây về kỷ luật đảng viên.

Theo sự phát triển của xã hội, mọi hành vi vi phạm của đảng viên cũng ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Quy định số 102-QĐ/TW lần này có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mỗi điều có bổ sung, sửa đổi với trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII.

Bên cạnh những nguyên tắc được xác định như trước, Quy định số 102-QĐ/TW bổ sung thêm một nguyên tắc: “Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”. Việc bổ sung nguyên tắc này vừa tạo sự đồng bộ với Quy định số 98-QĐ/TW trước đây của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, vừa hướng tới khắc phục những hạn chế trong xử lý đảng viên vi phạm những năm qua.

Quy định số 102-QĐ/TW đã nêu rõ các hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng loại vi phạm: Về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; về chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo; đối với từng trường hợp vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Quy định cũng đã bổ sung thêm nhiều trường hợp sẽ bị khai trừ như: Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ; lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hình thức khai trừ Đảng cũng được áp dụng với các vi phạm: môi giới, nhận hối lộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển hoặc nâng lương, nâng ngạch, khen thưởng; hành vi chạy chức; dùng Thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản;mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền; tẩu tán tài sản; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; sử dụng dự thảo kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để đe dọa đối tượng bị kiểm tra nhằm trục lợi… Ngoài ra, đảng viên kê khai tài sản không trung thực, thiếu trách nhiệm hoặc do động cơ cá nhân làm thất lạc hồ sơ, tài liệu của tổ chức; cung cấp hồ sơ nội bộ cho người không có trách nhiệm cũng bị cảnh cáo hoặc cách chức, thậm chí khai trừ nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, Quy định số 102-QĐ/TW đã bổ sung Điều 3 về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên, cụ thể: 5 năm đối với các hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.

Việc ban hành Quy định số 102-QĐ/TW không chỉ là căn cứ để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là những vi phạm mới, những vi phạm qua thực hiện công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà còn là căn cứ để xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, về kinh tế, tài chính, tín dụng, trong thực hiện các dự án đầu tư, thực hiện chính sách an sinh xã hội đang gây bức xúc trong xã hội. Những vi phạm của một số cán bộ, kể cả cán bộ là đảng viên cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian qua đã minh chứng cho việc kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt và mọi đảng viên dù giữ chức vụ gì, tuổi Đảng cao hay thấp, đang công tác hay đã nghỉ hưu đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng.

Để thực hiện tốt Quy định này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu, quán triệt, áp dụng các hình thức kỷ luật trong Quy định để xử lý đảng viên vi phạm đúng với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm; bảo đảm thời hiệu xử lý kỷ luật. Và điều quan trọng nhất là mỗi đảng viên phải nhận thức rõ được các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng để trong công tác và sinh hoạt nếu không may mắc phải thì hãy tự giác nhận hình thức kỷ luật để có hướng sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng.