Cán bộ cấp chiến lược là bộ phận nằm ở thượng đỉnh của tháp nhân sự, giữ các vị trí trọng yếu mang tính quyết định sự nghiệp cách mạng. Cán bộ chiến lược là bộ phận làm thành trụ cột, thống lĩnh toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tuy số lượng ít, nhưng là bộ phận tinh hoa, nắm các vị trí then chốt, trọng yếu của hệ thống chính trị, mang tính đại diện cho thể chế, hầu hết là những người đứng đầu đất nước, ngành, địa phương.
Ở vị trí thượng đỉnh của cấu trúc quyền lực, cán bộ cấp chiến lược có vai trò quyết định đến sự sống còn, thành bại của sự nghiệp cách mạng. Sản phẩm “đầu ra” của cán bộ cấp chiến lược là đường lối, chủ trương, chính sách nên mọi quyết định và hoạt động của đội ngũ cán bộ này đều mang ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi chủ thể hoạch định phải có những tố chất, năng lực tương xứng.
Là bộ phận thượng đỉnh của tháp nhân sự, cán bộ cấp chiến lược chủ yếu thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo - quản lý gián tiếp thông qua cấp trung gian nên rất cần có phương pháp, cách thức lãnh đạo khéo léo mới duy trì được mối liên hệ với đời sống thực tiễn ở cơ sở, với quần chúng, hạn chế tình trạng quan liêu. Nắm quyền hành lớn trong phân bổ các nguồn lực và phúc lợi, nếu cán bộ cấp chiến lược liêm chính, công tâm, khách quan sẽ tạo nên động lực phát triển; còn nếu cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, lợi ích nhóm thì sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực và phúc lợi trở nên méo mó, sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, dẫn đến kìm hãm sự phát triển cộng đồng xã hội.
"Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài". (Trích Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII) |
Như vậy, cán bộ cấp chiến lược rất cần phải có tư duy sắc bén, đủ khả năng bao quát và lý giải sự vật hiện tượng của khách thể rộng lớn, phức tạp; thấu hiểu bản chất vấn đề trước mọi sự thay đổi để quản trị sự thay đổi mà không trở thành nạn nhân của thay đổi; dự báo được xu hướng tương lai; có bản lĩnh đối mặt, chịu áp lực và năng lực vượt qua thách thức; nhạy bén nắm bắt cơ hội và biến thách thức thành cơ hội, tạo ra các đột phá chiến lược. Đồng thời, cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực phản biện. Bất cứ một vấn đề nào đặt ra đều phải được lật đi, lật lại để khi xử lý mặt này không bỏ qua mặt kia, khi chủ trì ngành này nhưng không hy sinh lợi ích của ngành khác, khi đứng trên lợi ích dân tộc nhưng phải tính toán đầy đủ các yếu tố quốc tế...
Phản biện còn làm cho tư duy luôn năng động, sáng tạo không ngừng. Cán bộ cấp chiến lược còn phải biết sử dụng người tài và trung thực dưới quyền của mình, biết sử dụng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, các tổ chức tư vấn để hỗ trợ, trưng cầu ý tưởng mới, sáng tạo trước khi đưa ra quyết sách về những vấn đề mà họ phải chịu trách nhiệm.
Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nêu trên, ngày 19/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết 26-NQ/TW). Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Đó là: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới;Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ.
Với việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết 26-NQ/TW chỉ rõ: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu, theo hướng: Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển. Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng.Xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động giữ vị trí cấp trưởng phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện. Đồng thời, sẽ tổ chức các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp để chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho các chức danh cấp chiến lược; đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh cấp chiến lược; kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ, tới đây cấp ủy các cấp trong tỉnh sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp mình theo đúng chỉ đạo, định hướng của Đảng, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta cùng kỳ vọng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của tỉnh sẽ tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống đang đổi mới từng ngày.